Ngày làm việc thứ chín, đợt họp thứ hai, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng

Ngày 13-11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, chống ma túy do Chính phủ trình, gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

So với Luật phòng, chống ma túy năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Thảo luận về Dự án luật, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật. Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, đa dạng, phong phú, tâm huyết và có trách nhiệm đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tên gọi của Luật là "Phòng, chống ma túy" nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung về phòng ngừa còn quá ít. Về vấn đề này, Bộ Công an sẽ tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện hơn, kể cả ý kiến các đại biểu nói là sẽ thành lập 1 chương riêng về phòng chống ma túy, nhưng thực tế là rất khó, tuy nhiên Bộ sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, việc cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần lưu ý để thống nhất bổ sung quy định cụ thể về việc lập hồ sơ, đưa các cháu vào các cơ sở cai nghiện ma túy nhằm bảo đảm quyền của trẻ em và phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng có tính khả thi, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển và Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã lần lượt biểu quyết thông qua 4 dự án luật và 2 nghị quyết gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.