Vấn đề Biển Đông tiếp tục khiến quan hệ Trung - Mỹ xấu đi

Những căng thẳng liên quan đến Biển Đông là động thái mới nhất khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn.

Trung Quốc phóng tên lửa “đánh tiếng” tới Mỹ

Trong khuôn khổ các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, diễn ra từ ngày 23 đến 29-8-2020 ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh hôm 26-8 đã phóng hai tên lửa ra Biển Đông. Theo hãng tin AP, một trong hai tên lửa được phóng đi là DF-26B, từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc; trong khi tên lửa còn lại là DF-21D, được phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở miền Đông. Cả hai quả tên lửa đã được phóng vào một khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.  Đích đến của các tên lửa này nằm trong phạm vi mà giới chức an toàn hàng hải Hải Nam đã đơn phương cấm các hoạt động của máy bay và tàu thuyền để phục vụ các cuộc tập trận này.

Tên lửa đa nhiệm DF-26, với tầm bắn 4.000 km và có thể sử dụng trong các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền. Đây là loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô từng ký để hướng đến chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này vào năm 2019 với lý do Trung Quốc triển khai các loại tên lửa bị cấm. Trong khi đó, DF-21 có tầm bắn 1.800 km; phiên bản tối tân nhất của loại tên lửa này là DF-21D - loại tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Hãng tin AP dẫn ý kiến của một số nhà phân tích quân sự cho rằng, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc rõ ràng là nhằm “đánh tiếng” tới Mỹ do mâu thuẫn giữa hai bên về vấn đề Biển Đông và Đài Loan (Trung Quốc). Trong tháng 7-2020, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải, trong bối cảnh hai tàu sân bay của Mỹ cũng triển khai các cuộc tập trận phòng không chiến thuật ở Biển Đông. Tới đầu tháng 8-2020, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập gần Đài Loan “nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia” - sự kiện diễn ra cùng thời điểm với chuyến công du hòn đảo này của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27-8 cảnh báo những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tuyên bố của Lầu Năm Góc chỉ rõ hành động của Trung Quốc “gây mất ổn định hơn nữa tình hình tại Biển Đông, vi phạm các cam kết của Bắc Kinh trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm tránh các hành động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Hồi tháng 7-2020, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc giảm việc “quân sự hóa và ép buộc” trong khu vực, nhưng thay vào đó, “Trung Quốc lại lựa chọn leo thang các hành động tập trận bằng cách phóng tên lửa đạn đạo”.

Mỹ liệt công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”

Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ ngày 26-8 thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với 24 công ty Trung Quốc và các cá nhân “có liên quan tới các hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông”. Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ 24 công ty Trung Quốc nói trên “có vai trò” trong việc xây dựng và quân sự hóa những đảo nhân tạo đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích trên Biển Đông. Ông Kevin Wolf, luật sư thương mại Mỹ, giải thích rằng các công ty này sẽ không còn có thể mua công nghệ và các sản phẩm khác được vận chuyển từ Mỹ, “dù là bản chải đánh răng hay chất bán dẫn”, nếu không có giấy phép đặc biệt. Mặc dù các công ty có thể yêu cầu giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ để có thể bán hàng cho các công ty trong danh sách cấm, song những yêu cầu như vậy thường bị từ chối. Theo Bộ Thương mại Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông kể từ năm 2013, nạo vét và bồi đắp hơn 1.200 hécta đất, bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hạn chế thị thực đối với những cá nhân Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động trên cũng như những người có liên quan tới việc “ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển”.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Washington. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ngày 26-8 đã gọi các lệnh trừng phạt này là “hoàn toàn phi lý”, Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ và lên án, đồng thời kêu gọi Mỹ “lập tức rút lại quyết định này và ngừng gây phương hại lợi ích của Trung Quốc cũng như mối quan hệ Trung-Mỹ”.

Trước khi liệt các công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”, Mỹ đã có một loạt động thái “va chạm” với Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ cáo buộc Trung Quốc không làm đủ nỗ lực để ngăn chặn COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu mà còn cấm các ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu như TikTok và WeChat hoạt động tại Mỹ, đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston… Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông là “hoàn toàn trái pháp luật”, mở đường cho Mỹ để theo đuổi các biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc hoạt động tại khu vực này.

Giới phân tích nhận định, với những diễn biến liên tiếp như vậy, quan hệ Trung - Mỹ sẽ ngày một xấu đi.

Theo TTXVN