Sự đổi thay ở vùng đất anh hùng !

Tôi công tác ở huyện niền núi Bác Ái đã nhiều năm nay, từ khi huyện mới tái lập (tháng 1- 2001), còn gắn bó với Bác Ái thì có thể kể từ khi tôi bắt đầu vào làm việc tại cơ quan nhà nước, khi Bác Ái còn chung với huyện Ninh Sơn. Thấm thoắt vậy mà đã hơn 30 năm... Đó là một huyện có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Được sống và gần gũi với bà con nơi đây đã mang lại cho tôi sự cảm phục và ngày càng gắn bó hơn.

Nhớ lại những ngày đầu tái lập huyện, trung tâm huyện còn hoang vắng, trên 100 cán bộ được điều động từ huyện Ninh Sơn lên xây dựng huyện mới. Đúng là vạn sự khởi đầu nan… diễn tả sao hết những khó khăn, thiếu thốn của buổi ban đầu. UBND huyện chưa có trụ sở làm việc, phải làm chung với xã Phước Đại trong một nhà làm việc của UBND xã, đi lại cũng chạm nhau rồi, các phòng ban làm việc trong những ngăn che tạm của chợ trung tâm xã Phước Đại, chỉ một tiếng động, một lời nói khẽ cũng vang động cả khối các cơ quan. Có thể nói, lúc đó huyện Bác Ái bắt tay vào xây dựng huyện mới từ đầu, từ xây dựng bộ máy cấp huyện, nhà làm việc, khu trung tâm hành chính, củng cố bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở.

Nhưng rồi những khó khăn, vất vả của những ngày đầu tái lập huyện cũng qua đi, chỉ còn là quá khứ; được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong huyện, Bác Ái đã đổi thay từng ngày. Mặc dù vẫn còn những hộ nghèo (trên 34 % dân số), vẫn còn nhà tạm, cuộc sống của bà con vẫn chưa hết khó khăn, Bác Ái còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Nhưng, ai đã từng đến Bác Ái khi mới tái lập, không khỏi vui mừng cho những đổi thay của huyện hôm nay. Xã Phước Đại, trung tâm huyện đã hình thành mang dáng dấp của một một đô thị trong tương lai gần. Theo báo cáo hàng năm của UBND huyện, đặc biệt là kết quả 10 năm thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, những con số biết nói đã nói lên tất cả những khó khăn, sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong huyện đã trải qua trong 20 năm.

Một góc cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tại Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: P.Bình

Điều mà Đảng bộ huyện quan tâm xác định là nhiệm vụ hàng đầu từ khi tái lập là giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân đã thành hiện thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 6%/ năm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hoàn chỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đời sống nhân dân cải thiện, nâng lên đáng kể, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tỷ lệ hộ khá ngày càng tăng, nhà ở khang trang, kiên cố hơn; phương tiện đi lại, nghe nhìn, các loại dịch vụ như nước sinh hoạt, điện thắp sáng, hệ thống thông tin công cộng … đã về đến tận hộ gia đình. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, 100% xã có trạm y tế; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% thôn có lưới điện quốc gia và có 85% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh... Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, được phân bổ kịp thời.

Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả ở các xã được nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi dê, cừu; mô hình trồng bưởi da xanh, chuối lấy hạt, các loại cây ăn trái, nuôi heo đen, nuôi bò vỗ béo, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn… 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Trên khắp các bản làng, nhà xây kiên cố đã dần thay cho nhà tạm, đêm về sáng bừng ánh điện khắp mọi nhà, mọi đường làng, ngõ xóm, góp phần xua tan đi cái đói nghèo, lạc hậu. Đặc biệt là chăn nuôi gia súc, xây dựng kinh tế trang trại, kinh tế vườn hộ đã mở ra một hướng đi đầy hứa hẹn để Bác Ái có thể làm giàu. Đời sống nhân dân đã ngày càng vơi bớt những khó khăn, từng bước hòa nhịp vào sự phát triển chung của cả nước.

Để có được những kết quả như hôm nay, ngoài sự cố gắng vươn lên của đảng bộ và nhân dân, sự quan tâm ưu ái của Trung ương và của tỉnh còn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cán bộ, công chức, những con người đã gắn bó và đóng góp sức mình trong những năm qua, nhất là số anh em có mặt ngay từ những ngày đầu tái lập huyện. Những ngày khó khăn, thiếu thốn buổi ban đầu ấy tất nhiên không tránh khỏi có những toan tính so bì, nhưng đó chỉ là những "hạt bụi" thoảng qua...

Hai mươi năm đã trôi qua, trải qua nhiều gian khó với biết bao kỷ niệm, thắm đượm nghĩa tình, nhiều vùng đất trước đây chỉ là rừng cây thưa thớt, đất đai cằn cỗi với cỏ dại nhưng nay đã là vùng đất trù phú, một màu xanh của lúa bắp và cây ăn trái mang lại thu nhập cao, nhiều hộ khá và giàu từ chính mảnh đất quê hương mình. Với định hướng phát triển kinh tế-xã hội nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phát triển du lịch sinh thái kết hợp di tích lịch sử văn hóa và văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai, chắc chắn Bác Ái sẽ có những bước chuyển mình, phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống anh hùng.