COVID-19: Trách nhiệm cá nhân và lợi ích cộng đồng

Bên cạnh những nỗ lực của toàn ngành y tế và các cơ quan chức năng, thì vẫn có sự chủ quan không nhỏ trong việc phòng, chống dịch bệnh của người dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ bản thân; đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội, góp phần ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.

Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi

Tính đến 6 giờ ngày 20-8-2020, Việt Nam đã ghi nhận 994 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 654 ca mắc do lây nhiễm trong nước (514 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay); đã có 533/994 trường hợp được công bố khỏi bệnh; 25 ca tử vong.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang dần được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, lại nổi lên ổ dịch ở tỉnh Hải Dương hiện đã ghi nhận tổng số 12 ca nhiễm. Trong những ngày tới có thể tiếp tục có thêm các ca nhiễm mới.

Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi.

Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động không được phép. Các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.

Bên cạnh các biện pháp "định vị mềm" nêu trên để nâng cao hiệu quả truy vết những trường hợp nghi ngờ, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp “định vị cứng” của một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao như đeo vòng điện tử...

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như bác sĩ, công an, quân đội…); kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn số 4393/BYT- KCB về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện, bảo đảm cung cấp đầy đủ và sử dụng đúng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú; đồng thời giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng người bệnh khác.

Nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội

Sự vào cuộc của mỗi người dân có tính quyết định đến sự thành công trong phòng, chống dịch bệnh. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Giờ là lúc phải nhìn vào thực tế, dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất một năm nữa vaccine mới có thể đến với người dân. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.

Theo đó, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch. Cụ thể:

- Thực hiện nghiêm quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin. Những công dân đi, đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh, phải tự giác khai báo và thực hiện cách ly trong 14 ngày, tại các địa điểm cách ly, theo quy định của Bộ Y tế.

- Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

- Tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội: không chia sẻ, đăng lại hay cổ xúy những quan điểm, bài viết, hình ảnh giả mạo, xuyên tạc về dịch COVID-19. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, hành động đẹp trong phòng, chống dịch.

- Cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm; cài ứng dụng NCOVI để khai báo y tế và theo dõi sức khỏe...

Có thể nói, việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người dân Việt Nam trong lúc này là thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chiến thắng dịch bệnh.

Theo TTXVN