Hỏi-đáp về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Anh Katơr Bóng ở thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình (Bác Ái) hỏi: Người dân cần hiểu biết những thông tin quan trọng nào của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và có nghĩa vụ gì để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay?

- Đáp: Theo quy định tại Điều 5 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền và nghĩa vụ như sau: Có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 77, quy định trách nhiệm của công dân như sau: Công dân tự mình hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng. Điều 65, 68, 69 còn quy định: Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật (Điều 65). Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật (Điều 68). Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo; người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo (Điều 69).