Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV Thế giới “chạy đua” tìm vaccine chống nCoV

Trước tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona diễn biến phức tạp, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang không ngừng chạy đua để tìm ra loại vaccine có thể phòng chống dịch bệnh đang lây lan toàn cầu này. Một số nước như Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam… đã có những phát hiện quan trọng trong việc nghiên cứu virus corona.

Nỗ lực tìm vaccine chống nCoV

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 16 h 10-2, tại Trung Quốc đại lục đã có 40.171 ca nhiễm nCoV và 908 trường hợp tử vong. Bên ngoài Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 449 trường hợp nhiễm chủng virus này ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đã có 2 trường hợp tử vong, trong đó một trường hợp ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và một trường hợp ở Philippines.

Ngay từ khi dịch viêm phổi do chủng mới virus corona (2019-nCoV) bùng phát, các nhà khoa học đều hối hả chạy đua để sản xuất ra một loại vaccine điều trị chủng mới nhất của virus corona.

Trung Quốc đã tiến hành phân tích chuỗi gien virus này và bước đầu thu được kết quả. Tuy nhiên, họ chỉ đồng ý chia sẻ mã gien của virus và giữ bí mật tuyệt đối về mẫu virus. Điều này một phần đã làm gián đoạn quá trình chẩn đoán tình trạng của người bệnh, cũng như việc tìm ra vaccine phòng chống nCoV. Ngoài ra, Trạm nghiên cứu dịch bệnh Vũ Hán thuộc Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã sàng lọc thành công loại thuốc có khả năng ức chế virus corona mới, ngay ở cấp độ tế bào. Hiện các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên chuột loại vaccine phòng nCoV được phát triển nhờ công nghệ hiện đại nhất.

Trong khi đó, Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo thành công vaccine cho virus corona. Loại vaccine này được tách ra từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hong Kong. Tuy nhiên, ông Yuen chia sẻ phải mất vài tháng để thử nghiệm vaccine trên động vật và mất ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người. 

Bệnh viện Đông Thượng Hải (thuộc Đại học Đồng Tế, Thượng Hải) đã phê chuẩn dự án phát triển vaccine mới chống virus Corona do trường phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics (Thượng Hải) phát triển. Đại diện công ty này cho biết vaccine sẽ được sản xuất trong không quá 40 ngày, sau đó trải qua quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng. 

Bên cạnh nỗ lực tự thân, Trung Quốc cũng bắt đầu hợp tác phát triển  vaccine ngừa virus 2019-nCoV với một số quốc gia khác. Cuối tháng 1-2020, Lãnh sự quán Nga tại Quảng Đông (Trung Quốc) thông báo Nga và Trung Quốc đã bắt đầu hợp tác phát triển vaccine ngừa virus 2019-nCoV. Lãnh sự quán Nga cũng cho biết Trung Quốc đã chuyển giao cho Nga bộ gien virus 2019-nCoV để giúp các nhà khoa học Nga xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện virus trong cơ thể trong 2 giờ…

Ngoài ra, Bộ Y tế Nga đã công bố 3 loại thuốc có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV gồm ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b. Đây là những loại thuốc thường được dùng trong việc điều trị các bệnh như viêm gan, HIV và đa xơ cứng. Bộ Y tế Nga cũng chỉ dẫn chi tiết rằng, cần sử dụng thuốc trong vòng 2 ngày tính từ khi tiếp xúc với người bệnh để có thể ngăn chặn và giảm mức độ nguy hiểm do nCoV gây ra.

Trong khi đó, ngày 29-1 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty của Melbourne (Australia) đã phát triển thành công một phiên bản của virus corona mới trong phòng thí nghiệm. Virus này được nuôi cấy từ vật liệu thu thập trên bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên ở Melbourne. Khám phá này được coi là nền tảng quan trọng, đặt nhiều kỳ vọng trong việc xác định những người có thể nhiễm bệnh, ngay cả khi họ chưa có triệu chứng của bệnh. Như vậy, không tính Trung Quốc thì Australia là nước đầu tiên tạo được virus corona, giúp việc nghiên cứu vaccine phòng bệnh cho con người được rút ngắn và khả quan hơn. Các nhà nghiên cứu của Australia khẳng định sẽ chia sẻ mẫu virus mới với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm trên toàn cầu.

Còn tại Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) ngày 31-1 cũng đã tuyên bố tách được mẫu virus corona mới từ cơ thể một bệnh nhân nhiễm nCoV ở nước này. Từ mẫu virus mới tách, NIID sẽ tìm hiểu cơ chế lây nhiễm, bắt đầu phát triển vaccine, thuốc và bộ thiết bị chẩn đoán nhanh đối với những người nhiễm bệnh. Đồng thời Viện cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho các tổ chức và nhà nghiên cứu trên thế giới về mẫu virus mới tách này.

Các nhà khoa học tại trường Đại học Imperial London (Anh) ngày 6-2 cũng đã có công bố về “phát hiện mới” trong nghiên cứu tìm ra vaccine phòng virus corona. Dự kiến vaccine sẽ được thử nghiệm vào đầu tuần này.

Thái Lan cũng là nước đã điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona bằng hợp chất giữa thuốc trị HIV/AIDS và thuốc cúm.

Hàn Quốc ngày 5-2 cũng cho biết, các bác sĩ nước này đã sử dụng thuốc điều trị Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) để điều trị cho bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV khỏi bệnh hoàn toàn. Thuốc điều trị HIV có tên là “Kaletra” này, vốn là loại thuốc chuyên điều trị cho các bệnh nhân AIDS, đã ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của virus Corona chủng mới bằng cách ức chế enzyme phân giải protein cần thiết cho sự sinh sôi của virus.

Còn tại Mỹ, các nhà nghiên cứu của phòng nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học Inovio ở San Diego, Mỹ, đã phát triển loại vaccine có tên INO-4800, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay. Lãnh đạo cấp cao phụ trách nghiên cứu và phát triển tại Inovio, Kate Broderick cho biết, ngay khi Trung Quốc cung cấp mã gen của chủng virus mới, “chúng tôi đã đưa nó qua công nghệ máy tính phòng thí nghiệm và thiết kế ra một loại vaccine trong vòng ba giờ”. Chưa thể biết tình hình dịch viêm phổi do chủng virus nCoV-2019 sẽ diễn biến như thế nào vào cuối năm nay, tuy nhiên Inovio cho biết nếu thử nghiệm ban đầu thành công, họ sẽ tiến hành thử nghiệm lớn hơn vào cuối năm nay và vaccine của họ sẽ là loại vaccine được phát triển và thử nghiệm nhanh nhất trong tình huống bùng phát dịch.

Trong khi đó, tại Việt Nam, một tin vui đã đến khi ngày 7-2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này (sau Nhật Bản và Australia). Đây là điều kiện tốt để thúc đẩy việc xét nghiệm nhanh các trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Do đó, việc xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày được cho là hoàn toàn khả thi. Kết quả này được coi là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu vaccine phòng chống virus corona trong tương lai.  

Còn nhiều khó khăn

Tuy rất nỗ lực nhưng các nhà khoa học trên thế giới đều cho rằng dù đẩy mạnh việc phát triển được vaccine thì việc thử nghiệm và sản xuất sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Đối với các công ty dược phẩm, chiến thắng trong cuộc đua tạo ra một loại vaccine hiệu quả sẽ mang lại lợi thế nhất định như thúc đẩy uy tín và doanh thu. Tuy nhiên, từ điều chế đến thử nghiệm và sử dụng vaccine mới là một quá trình đòi hỏi phải mất một khoảng thời gian nhất định, nhanh nhất cũng phải mất vài tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình sản xuất với bất kỳ vaccine mới nào đều cần phải trải qua các đánh giá trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật, rồi đến một nhóm người nhỏ, và sau đó mới có thể dùng cho cộng đồng. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm mới có thể đưa ra thành phẩm vaccine.

Trong khi đó trên thực tế, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào đánh giá việc ứng dụng vaccine corona. Theo các nhà khoa học, chủng virus corona mới có tên chính thức là 2019-nCoV, thuộc cùng họ với Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) giai đoạn 2002-2003 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), lần đầu được phát hiện năm 2012. Đến nay, vaccine phòng ngừa SARS đã phải mất hơn 20 tháng mới được đưa ra để thử nghiệm và năm 2011 mới áp dụng chính thức, trong khi vaccine dành cho MERS đến nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Và cho đến nay, chưa có một loại vaccine phòng virus corona nào được thương mại hóa. Chính vì vậy, trong sản xuất vaccine, cả thế giới đều tuyên bố là phải chậm chứ không thể nhanh được. Cái khó nhất của loại vaccine chủng corona mới này là chưa có một đối chiếu nào về thương mại. Tất cả đều phải dựa trên những nghiên cứu cũ để đẩy nhanh nghiên cứu. Do đó, cần có thời gian để có thể sản xuất được vaccine ngừa virus corona.

Bên cạnh đó, vaccine vẫn chỉ là giải pháp dài hạn để giải quyết dịch bệnh toàn cầu như virus corona mới. Còn trước mắt, các nhà nghiên cứu cũng đang đưa ra nhiều biện pháp để tạo ra phác đồ điều trị hiệu quả. Một số nơi đã sử dụng các thuốc kháng virus và steroid đã được phê duyệt để kiểm nghiệm hiệu quả trong điều trị virus corona mới. Theo các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu virus học của Vũ Hán, thuốc thử nghiệm Remdesivir, được công ty công nghệ sinh học Mỹ Gilead sản xuất để chống virus Ebola và chống sốt rét thông thường đều đã được chứng minh là “có hiệu quả cao” trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Hiện thuốc này đang được thử nghiệm ở Trung Quốc.

Mặt khác, giới chuyên môn luôn nhấn mạnh rằng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch hiện nay vẫn là ưu tiên các phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng. Chúng bao gồm các biện pháp bảo vệ cơ bản, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên, theo dõi người đã tiếp xúc với người bệnh, tìm kiếm sự chăm sóc y tế sớm trong trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp…

Theo TTXVN