Dịch bệnh viêm phổi do virus corona: Không ngừng gia tăng các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh

Tính đến ngày 28-1-2020, toàn thế giới đã ghi nhận trên 4.500 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV), trong đó có 107 người tử vong. Trước tình hình trên, WHO, Trung Quốc, một loạt các nước khác trên thế giới đã tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Cập nhật diễn biến dịch do 2019-nCoVtrên thế giới trong ngày 28-1

Đợt bùng phát bệnh viêm phổi mới ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bắt đầu được thông báo từ ngày 31-12-2019. Tác nhân gây bệnh là chủng virus corona mới, được cho là xuất phát từ một khu chợ buôn bán động vật hoang dã ở thành phố này. Số ca mắc bệnh viêm phổi mới này tang lên nhanh chóng, theo Uỷ ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc tính đến chiều ngày 28-1, Trung Quốc đã có tổng số 4.515 trường hợp mắc bệnh, trong đó số trường hợp tử vong là 107 (đều là người sống tại lục địa Trung Quốc). Ngoài ra, còn gần 7.000 ca nghi bị lây nhiễm. Cho đến nay, số người khỏi bệnh và rời viện là 60 người. Tuy nhiên, vẫn có tới 515 người đang trong tình trạng ốm nặng trong bệnh viện.

Đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và đã lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.  Cụ thể, số trường hợp mắc bệnh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ là: Thái Lan (8 trường hợp), Australia (5 trường hợp), Singapore (5), Mỹ (5), Nhật Bản (4), Malaysia (4), Hàn Quốc (4), Pháp (3), Việt Nam (1), Campuchia (1), Canada (1), Đức (1), Bờ Biển Ngà (1), Nepal  (1), Sri Lanka (1), Hong Kong (Trung Quốc) (8), Macau (Trung Quốc) (6), Đài Loan (Trung Quốc) (5).

Trước tình trạng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh do virus corona (2019-nCoV) gây ra, trong một báo cáo mới nhất về chủng virus mới này (ngày 27-1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc và hơn một chục quốc gia khác trên thế giới có lây lan trong thời gian ủ bệnh, tức là trước khi các triệu chứng xuất hiện, hay không.

WHO cũng cho biết theo ước tính hiện nay, thời gian ủ bệnh có thể từ 2-10 ngày. Báo cáo của WHO cũng chưa xác nhận các khẳng định trước đó của chính quyền Trung Quốc rằng những người đã nhiễm bệnh có thể lan truyền dịch trước khi có bất kỳ triệu chứng nào như sốt hay khó thở. WHO cho biết: “Cần có thêm thông tin chi tiết về nghiên cứu bệnh dịch từ nhiều ca nhiễm hơn nữa để xác định giai đoạn ủ bệnh của virus 2019nCoV, đặc biệt là khi nào việc lây truyền có thể xảy ra từ những cá nhân chưa có triệu chứng hoặc trong thời gian ủ bệnh”.

Tuy nhiên, WHO cũng đã thừa nhận mắc sai sót trong đánh giá rủi ro về loại virus gây chết người này. Trong báo cáo trên, WHO cho biết: “Tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực, và cao ở cấp toàn cầu”. WHO thừa nhận việc đánh giá mức độ rủi ro “vừa phải” trên phạm vi toàn cầu trong báo cáo trước đó là “sai sót”.

Cũng theo WHO, tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV ở Trung Quốc là khẩn cấp, nhưng nó chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Do đó, việc điều chỉnh đánh giá rủi ro toàn cầu của WHO không đồng nghĩa với việc tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, cũng như không đưa ra khuyến cáo nào về hạn chế đi lại hay buôn bán. WHO chỉ kêu gọi tăng mức độ cảnh giác, trong đó có việc khuyến khích các sân bay lắp đặt hệ thống kiểm soát thân nhiệt đối với hành khách đến từ vùng dịch để phát hiện kịp thời.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm, WHO nhấn mạnh cần tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện khó thở, nên rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã hoặc gia cầm.

Các nước không ngừng gia tăng các biện pháp ngăn chặn

Nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người Trung Quốc và người nước ngoài, ngày 28-1, Trung Quốc kêu gọi công dân nước mình hoãn các chuyến ra nước ngoài. Trước đó, trong một nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch, và nhiều thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc. Nhằm tránh việc nhiều người tiếp xúc gần với nhau, Trung Quốc cũng đã áp đặt hạn chế đi lại ở nhiều nơi trên cả nước; đồng thời xây dựng 2 bệnh viện dã chiến (2.300 giường); phong tỏa 18 thành phố, với hơn 50 triệu người; nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà; tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ ngừng hoạt động của hàng trăm tuyến đường sắt trên khắp đất nước. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sang tuần tới để mọi người được ở nhà. Các trường học cũng lùi thời gian bắt đầu học kỳ hai, song chưa thông báo thời điểm nối lại.

Trong khi đó, nhiều nước khác vẫn đang gấp rút xúc tiến đưa công dân của mình ra khỏi thành phố Vũ Hán. 

Singapore đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Tất cả các trường hợp đi du lịch tới Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết vừa qua được yêu cầu nghỉ phép 14 ngày để theo dõi.

Chính quyền Philippines thì tạm thời ngừng cấp thị thực du lịch cho các công dân Trung Quốc tới nước này.

Tại Thái Lan, trong một phát biểu trên truyền hình ngày 27-1, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đưa ra những đảm bảo rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể hoàn toàn kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra nhờ việc đẩy mạnh giám sát và đánh giá tình hình.  Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định chính phủ đã kiểm soát 100% tình hình, nói rằng những biện pháp phòng ngừa của Thái Lan phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và việc soi chiếu thân nhiệt để sàng lọc hành khách quốc tế có hiệu quả.

Tại Triều Tiên, các nhà chức trách đang lập các kế hoạch để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc cách ly người bệnh; tăng cường kiểm tra tại các khu vực biên giới, hải cảng và sân bay; giám sát chặt chẽ những công dân đi du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây để đảm bảo việc cách ly những công dân này trong trường hợp họ bị nghi ngờ nhiễm virus corona mới.

Tại Hàn Quốc, đối phó với sự bùng phát của virus corona là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Moon Jae-in. Theo đó lịch trình làm việc của ông Moon trong tuần này sẽ được thay đổi linh hoạt do sự cần thiết đối phó với tình huống khẩn cấp liên quan tới chủng virus mới. 

Chính phủ Nhật Bản ngày 28-1 đã quyết định đưa bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) gây ra vào danh sách các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm với mục đích cho phép giới chức y tế nước này đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh nguy hiểm này. Theo đó những bệnh nhân viêm phổi cấp do chủng virus corona gây ra sẽ bị buộc phải nhập viện và cấm tới nơi làm việc. Chính phủ sẽ sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán chi phí y tế cho những đối tượng này. Cùng với việc đưa bệnh viêm phổi cấp vào danh sách các bệnh truyền nhiễm, Chính phủ Nhật Bản đã thuê một chiếc máy bay để chở công dân nước này ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về nước vào tối ngày 28-1.

Mỹ ngày 27-1 đã đưa ra cảnh báo công dân nước mình nên hạn chế tới Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra và sẵn sàng đưa ra mọi trợ giúp cần thiết. 

Canada cũng tăng mức cảnh báo công dân nước mình nên hạn chế tới Trung Quốc.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 27-1 cũng đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh viêm phổi do virus corona gây ra tại Liên bang Nga. Ông Mishustin chỉ thị trong vòng 2 ngày phải chuẩn bị kế hoạch phòng chống virus corona tại Liên Bang Nga. Báo cáo về kết quả theo dõi tình hình sẽ được thường xuyên gửi lên Tổng thống Vladimir Putin.

Còn tại Iraq, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq, Ahmad al-Sahaf cho biết nước này dự kiến triển khai một máy bay của hãng hàng không Iraqi Airways chở nhân viên y tế tới sơ tán công dân Iraq khỏi thành phố Vũ Hán-nơi được coi là “ổ dịch” bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra, về thẳng Baghdad.

Theo TTXVN