Hội thảo Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 20-12, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;  các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh hoan nghênh các đại biểu đã dành thời gian đến dự. Đồng thời, giới thiệu khái quát một số nét chính trong công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây; những cơ hội, động lực mới, khát vọng khai thác các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển. Đồng chí mong rằng, với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu, Hội thảo sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để tìm ra các giải pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng, để tỉnh thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.Thanh

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu nghe TS.Trần Du lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung báo cáo đề dẫn làm rõ những điểm sáng, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2018; cũng như đề xuất các ý tưởng, giải pháp, kiến nghị một số cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội thảo. 

Hội thảo còn nghe các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá, phân tích các lợi thế, tiềm năng, dự báo nhân tố mới; gợi mở định hướng, cách tiếp cận, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, để tỉnh Ninh Thuận xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực, khâu đột phá, để bổ sung vào định hướng, giải pháp phát triển nhằm khai thác hiệu quả các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: Du lịch, năng lượng sạch, bất động sản, nông nghiệp, kinh tế biển…, đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và miền Trung Tây nguyên.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm cũng như các ý kiến thiết thực của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở các ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn đã được trình bày, thảo luận tại Hội thảo, đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đưa Ninh Thuận tiếp tục có những bước phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo.

------------------------

Ý  KIẾN TẠI HỘI THẢO

* Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương: Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mình, Ninh Thuận chủ trương phát triển nhanh các nhóm ngành đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế là đúng đắn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng nguồn điện mặt trời giai đoạn vừa qua tại Ninh Thuận cho thấy những vấn đề tồn tại như quy mô công suất đã vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống hạ tầng kết nối liên quan hệ thống lưới điện. Do đó, Ninh Thuận muốn cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước thì phải tranh thủ tốt thời cơ, nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ tỉnh để sớm đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải 220kv, 500kv. Đồng thời, phải xác định rõ lộ trình để huy động nguồn lực; kiểm soát đầu tư theo quy hoạch, tránh tình trạng phát triển dự án phong trào, tự phát, gây ảnh hưởng cho quá trình phát triển. Đi liền với đó, địa phương cần mạnh dạn, có quyết tâm chính trị cao, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá đối với 3 trụ cột kinh tế (năng lượng, du lịch, nông ngư nghiệp công nghệ cao) để những năm tới được đứng trên mặt bằng chung của cả nước.

* PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:  Sau một giai đoạn chuyển mình, đến nay nhiều chỉ số phát triển của Ninh Thuận khá ấn tượng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó muốn chuyển mình phát triển, trước hết Ninh Thuận cần khẳng định và xác lập lòng tin đối với “lợi thế đi sau”, để tạo nên khả năng vượt trước và hiệu quả phát triển. Thứ đến là phải tìm kiếm, tạo lập và củng cố lợi thế “phi truyền thống”, bởi theo logic những gì bất lợi truyền thống đều có thể chuyển thành lợi thế phát triển hiện đại. Hiện nay, tầm nhìn thị trường thế giới và công nghệ cao là điều kiện quyết định để thực hiện bước chuyển mình, đây cũng là việc mà Ninh Thuận đang nỗ lực làm để lựa chọn tạo khác biệt và xác lập đẳng cấp cao trong phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, Ninh Thuận cần thu hút được các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn, đồng thời phải mở rộng liên kết vùng. Đi cùng với đó Ninh Thuận cần tận dụng được các cơ chế, chính sách để Trung ương trao thêm quyền, thêm lực và trách nhiệm để tỉnh có thể phát huy tốt nhất năng lực chủ động sáng tạo của mình.

* PGS.TS.Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA): Ninh Thuận nằm trong bán kính rất gần Sân bay quốc tế Cam Ranh, khí hậu quanh năm nắng ấm, thiên nhiên rất đẹp là cơ hội đầu tư vào du lịch rất tốt. Do đó, tôi tin tưởng rằng chỉ trong vài năm tới, Ninh Thuận sẽ có nhiều nhà đầu tư mạnh vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp đầu mạnh vào lĩnh vực này, Ninh Thuận cần quan tâm tới không gian mặt biển, quy hoạch lại bài bản khu vực bờ biển. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cần xác định lại lợi thế so sánh, nhất là trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để chia sẻ lợi ích trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch với các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ. Mặt khác, tỉnh nên xây dựng một chiến lược khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch, tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn như: Phát triển du lịch sinh thái, các rạn san hô ven bờ; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm; du lịch trang trại với trải nghiệm về cảnh quan, tìm hiểu phương thức canh tác, chế biến các sản phẩm từ cây, con đặc trưng. Đặc biệt, cần tính đến việc ứng dụng sản phẩm của ngành năng lượng sạch trong xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng để tạo sự khác biệt trong du lịch công nghệ cao, nhằm mang lại giá trị kinh tế cho tỉnh.