Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác chuyên môn, phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp và người dân, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý văn bản và hồ sơ công việc, nâng cao tính minh bạch trong thông tin, góp phần cải cách hành chính hiệu quả.

Tháng 8-2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến có cung cấp giao diện cho thiết bị di động. Đến nay, đã có 1.858 thủ tục hành chính thuộc các cấp từ tỉnh đến xã đã được cung cấp qua cổng dịch vụ này, đạt 100% thủ tục. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 có 1.621 thủ tục, mức độ 4 có 74 thủ tục và cung cấp 163 dịch vụ công mức độ 2-cấp xã.

Sử dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành, mở rộng liên thông hệ thống một cửa điện tử cho tất cả các cơ quan cấp tỉnh và huyện; liên thông hệ thống một cửa điện tử với chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết hồ sơ và tích hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của tỉnh để đưa thông tin thống kê về tình hình xử lý hồ sơ. Thực hiện quy chế quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan, đơn vị đã cập nhật, tiếp nhận giải quyết đạt 14.487 hồ sơ. Đối với hệ thống một cửa hiện đại, toàn tỉnh có 8 cơ quan triển khai thực hiện, giúp cho các cá nhân, tổ chức đến cơ quan quản lý nhà nước liên hệ thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn, dễ dàng tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ; đồng thời giúp cơ quan nhà nước điều hành hoạt động một cách khoa học, tăng cường tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính. Hệ thống cũng đã được tích hợp chứng thư số và kết nối liên thông chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và tới các xã, phường trên toàn tỉnh. 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đã gửi, nhận được văn bản điện tử.

Từ tháng 6-2019, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại văn phòng UBND tỉnh đã kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia. Qua đó đã gửi, nhận văn bản điện tử với các bộ, ngành, Chính phủ. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hệ trục liên thông văn bản 4 cấp, đảm bảo gửi, nhận văn bản tới các cơ quan trong tỉnh và tới các cơ quan trung ương, các địa phương khác có kết nối với trục liên thông. Bên cạnh đó, hệ thống cũng đã tích hợp kết nối với hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đã kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử, phần mềm đánh giá cán bộ, văn bản chỉ đạo điều hành. Trong năm 2019, thông qua phần mềm, các cơ quan đơn vị từ cấp tỉnh đến xã đã số hóa các văn bản đi và đến. Qua phần mềm văn bản chỉ đạo điều hành, đã hỗ trợ cho lãnh đạo UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo kịp thời các nhiệm vụ giao cho các sở, ngành, địa phương; giúp theo dõi tiến độ xử lý công việc, tránh tình trạng bỏ sót và thực hiện chậm trễ các công việc đã giao. Hiện nay, ngoài các ứng dụng được triển khai chung cho toàn tỉnh thì tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều phần mềm quản lý chuyên ngành, nhằm phục vụ quản lý theo ngành, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Cán bộ huyện Thuận Nam ứng dụng hiệu quả chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hệ thống “một cửa hiện đại” đã triển khai tốt và nhân rộng tại tất cả các huyện, thành phố. Dịch vụ công trực tuyến bước đầu đã mang lại hiệu quả, từng bước tạo sự đổi mới về phương thức, phong cách làm việc ở cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cũng đã được các sở, ngành, địa phương cập nhật thực hiện thông qua hệ thống một cửa điện tử. Qua xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT năm 2019 (ICT Index 2019), tỉnh ta đứng vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2018.

Nhằm phát huy hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, thời gian tới tỉnh chú trọng tạo nguồn lực đầu tư ứng dụng CNTT; nâng cấp hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, phục vụ triển khai chính quyền điện tử và đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án CNTT. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách CNTT, khuyến khích lực lượng này nghiên cứu, nâng cao trình độ, đưa ra các giải pháp công nghệ hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tin tưởng, có thói quen ứng dụng CNTT giải quyết các thủ tục hành chính.