Tìm hiểu về Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016

Hỏi. Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định của pháp luật hiện nay? Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung?

Trả lời: Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung như sau:

- Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;

+ Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

+ Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.

- Những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện như trên và các điều kiện sau đây:

- Có giáo lý, giáo luật;

- Tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc. Điều 17 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung như sau:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.

- Hồ sơ đăng ký gồm:

+ Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký; tên tôn giáo; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện; nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo, số lượng người tham gia;

+ Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để làm nơi sinh hoạt tôn giáo;

+ Sơ yếu lý lịch của người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung;

+ Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật đối với việc đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Hỏi. Tổ chức muốn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 18 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì tổ chức muốn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

- Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;

- Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;

- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

- Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;

- Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này (Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.)

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được quy định tại Điều 19 Luật tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

- Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 nêu trên gửi hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 dưới đây.

- Hồ sơ đăng ký gồm:

+ Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức; tên tôn giáo; tôn chỉ, mục đích; nội dung, địa bàn hoạt động; nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển ở Việt Nam; họ và tên người đại diện tổ chức; số lượng người tin theo; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở;

+ Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức;

+ Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

+ Quy chế hoạt động của tổ chức;

+ Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

- Thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo:

+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh) cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối cấp chứng nhận đăng ký phải nêu rõ lý do;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối cấp chứng nhận đăng ký phải nêu rõ lý do.

Hỏi: Tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ được tổ chức các hoạt động gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 20 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 thì sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức được thực hiện các hoạt động sau đây:

- Tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý;

- Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc;

- Sửa chữa, cải tạo trụ sở;

- Tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo;

- Tổ chức đại hội thông qua hiến chương.

Khi thực hiện hoạt động tôn giáo, tổ chức phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hỏi: Xin cho biết điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo

Trả lời:

*Về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Theo quy định tại Điều Điều 37 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định:

Tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo;

- Có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo;

- Có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo;

- Có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.

* Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Điều 38 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định:

- Trước khi thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

- Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên cơ sở đào tạo, họ và tên người đại diện cơ sở đào tạo, sự cần thiết thành lập cơ sở đào tạo;

+ Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo cơ sở đào tạo;

+ Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo gồm các nội dung cơ bản: tên cơ sở đào tạo; địa điểm đặt trụ sở; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức, nhân sự; trình độ, loại hình đào tạo; chương trình, nội dung giảng dạy và chuẩn đào tạo của từng trình độ đào tạo; tài chính, tài sản;

+ Dự thảo quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo;

+ Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm đặt cơ sở đào tạo tôn giáo.

- Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

- Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo có văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo. Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo không thành lập cơ sở đào tạo thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

* Về hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo:

- Chậm nhất là 20 ngày trước khi cơ sở đào tạo tôn giáo bắt đầu hoạt động, người đại diện cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo kèm theo văn bản thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh, danh sách thành viên ban lãnh đạo, báo cáo về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động.

- Việc tổ chức đào tạo, tuyển sinh của cơ sở đào tạo tôn giáo thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh đã thông báo.

- Cơ sở đào tạo tôn giáo khi sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản đăng ký nêu rõ lý do, nội dung thay đổi kèm theo quy chế sửa đổi.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Cơ sở đào tạo tôn giáo được hoạt động theo quy chế sửa đổi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

- Cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc khóa học. Văn bản thông báo nêu rõ tên cơ sở đào tạo tôn giáo, khóa đào tạo, số học viên tốt nghiệp.

- Việc theo học của người nước ngoài tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam: Người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam phải là người cư trú hợp pháp ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tự nguyện đăng ký học và được cơ sở đào tạo tôn giáo gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên cơ sở đào tạo tôn giáo; họ và tên, quốc tịch của người đăng ký học, khóa học, thời gian học;

+ Bản dịch hộ chiếu của người đăng ký học sang tiếng Việt có công chứng.

+ Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.