Đoàn công tác của Tỉnh ủy giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại huyện Thuận Bắc và Bác Ái

Ngày 1-11, Đoàn giám sát của Tỉnh ủy do đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy Thuận Bắc và Huyện ủy Bác Ái về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc đã tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt; các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung trọng tâm của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn. Qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện có chuyển biến nhất định; góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp ước đến hết năm 2019 đạt 1.039,9 tỷ đồng, chiếm 75,3% kế hoạch; giá trị sản xuất tăng bình quân 7,3%; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ nét; công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, nhiều mô hình kinh tế ứng phó với BĐKH tiếp tục duy trì và phát triển; đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại huyện Bác Ái. Ảnh: H.Lâm

Đối với huyện Bác Ái, sau khi tiếp nhận Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, việc triển khai tổ chức học tập được triển khai nghiêm túc; Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng những văn bản điều hành chỉ đạo, lồng ghép nội dung cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tác động Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được thể hiện rõ nét thông qua cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần định hình theo xu hướng phát triển gắn với thị trường tiêu thụ; quy mô sản xuất có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương...Tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2018 đạt 1.135,8 tỷ đồng; trong đó, nông-lâm nghiệp đạt 540,7 tỷ đồng, chiếm 47,6%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 12,5 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 41,32%.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy. Chú trọng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và sản xuất hàng hóa theo thị trường; đa dạng hóa mô hình sinh kế dưới tán rừng, tạo thu nhập cho người dân; huy động, lồng ghép hiệu quả vốn từ các chương trình, dự án đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và đôn đốc các phòng, ban chuyên môn, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết ở giai đoạn tiếp theo.