Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội

Trong những năm qua, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội trên địa bàn.

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, bên cạnh sự phát triển kinh tế-xã hội thì các hoạt động văn hóa, giải trí cũng phát triển khá mạnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ tăng đột biến. Đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, dễ phát sinh các loại TNXH. Chỉ trong năm 2018, lực lượng chức năng phát hiện 18 vụ/305 đối tượng, khởi tố 13 vụ/14 bị can liên quan đến ma túy (MT). Số đối tượng sử dụng MT ngày càng tăng, hiện đang quản lý 502 đối tượng (189 đối tượng nghiện mới); phát hiện 8 tụ điểm mại dâm (MD), khởi tố 2 vụ/5 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 6 đối tượng; phát hiện 75 tụ điểm cờ bạc, khởi tố 6 vụ/25 bị can… TNXH diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng về tính chất, mức độ, quy mô và gây dư luận xấu trong đời sống nhân dân.

Trước thực trạng trên, Thành ủy, UBND Tp Phan Rang-Tháp Chàm đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt, đặc biệt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, MT, MD đã được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức thường xuyên tại địa bàn trọng điểm của các phường, xã bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm, từng đối tượng tại địa bàn khu dân cư, qua đó góp phần hạn chế tác hại cho xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các địa phương đã triển khai tốt công tác xử lý, lập hồ sơ, thẩm tra, đề nghị đưa người nghiện MT vào cơ sở cai nghiện MT; tiếp tục tổ chức thực hiện công tác cai nghiện MT tại gia đình, tại cộng đồng, quản lý giúp đỡ người nghiện MT sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Về công tác phòng, chống tệ nạn MD, địa phương thực hiện kiên quyết, liên tục, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động MD, khiêu dâm, kích dục. Thông qua việc đấu tranh triệt phá các tụ điểm MD có tổ chức, quy mô đã thay đổi quan điểm cũng như biện pháp, xu hướng đấu tranh với tội phạm liên quan đến MD. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng các mô hình bước đầu đã hình thành được các mạng lưới kết nối đối với các dịch vụ can thiệp, giảm hại; thông qua đó hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, gắn với các chương trình, chính sách an sinh xã hội tại địa phương đã tác động tích cực đến tâm lý người bán dâm và người có nguy cơ sa vào tệ nạn MD để làm cho họ chuyển đổi việc làm, có thu nhập và ổn định cuộc sống, không tái phạm. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT từng bước được nâng lên, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai đồng bộ đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Năm 2019, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống TNXH, góp phần đảm bảo ANTT, Tp Phan Rang-Tháp Chàm tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về MT, giữ vững ANTT, hạn chế gia tăng người nghiện mới; rà soát nắm bắt tình hình, diễn biến hoạt động MD trá hình, núp bóng trong các cơ sở kinh doanh, cắt tóc thanh nữ… để xây dựng phương án triệt phá kịp thời các đối tượng các đối tượng là chủ chứa, môi giới, chủ cơ sở để xảy ra tình trạng mua bán dâm. Làm tốt công tác điều tra, nắm tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm MT, MD, mua bán người; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm MT, MD, mua bán người; chỉ đạo công an các xã, phường phối hợp các ban, ngành, ở địa phương quản lý tốt người nghiện và người sau cai nghiện MT tại nơi cư trú; kịp thời truy tìm đối tượng trốn tránh không chấp hành quyết định xử lý hành chính áp dụng cai nghiện bắt buộc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng loại đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống MT, tệ nạn MD gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa nông thôn mới; phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tệ nạn MT, MD và phòng, chống nạn mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, những xã, phường có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống TNXH. UBND các xã, phường thực hiện tốt việc thống kê, lập danh sách người nghiện MT có hồ sơ quản lý tại địa phương. Phân công các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện được tiếp cận học nghề, vay vốn ưu đãi, tạo việc làm ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện. Vận động các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; kịp tời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật, nhất là cách chính sách, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ ban đầu, tạo điều kiện để nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên tham gia tích cực các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng địa bàn trong sạch không có TNXH.

* Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 16/65 xã, phường được công nhận chỉ tiêu xây dựng xã, phường lành mạnh, trong đó duy trì 14 xã, phường và xây dựng mới được 2 xã, phường, đạt 100% kế hoạch đề ra. Năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu duy trì 16 xã, phường lành mạnh, xây dựng mới 2 xã, phường.

* Thực hiện Nghị định số 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Quyết định số 493/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn điều trị Methandone trong các cơ sở cai nghiện”, Sở Y tế đã thành lập các cơ sở để thực hiện công tác này. Cụ thể, tại tuyến tỉnh Cơ sở Điều trị Methanndone đặt tại Cơ sở 2 thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; tại tuyến huyện có 2 cơ sở đặt điểm uống Methandone đặt tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam và Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn. Trong năm 2018, đã có 48 bệnh nhân tham gia điều trị thường xuyên, có sức khỏe ổn định, hòa nhập cộng đồng, trong đó có 2 bệnh nhân điều trị thành công.