Việc xác định hướng phát triển chính của thành phố về phía Đông và dọc theo sông Dinh gắn kết đô thị Tháp Chàm với đô thị Phan Rang đã tạo điều kiện khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, tăng cường sự liên kết giữa các khu chức năng trong đô thị với các đô thị khác trong vùng, tạo thành tam giác kinh tế du lịch Phan Rang - Khánh Hòa - Đà Lạt.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: V.M
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, xác định xây dựng tỉnh trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, tránh thiên tai; kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo mô hình “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Với vị trí và có nhiều lợi thế về tiềm năng, những năm qua tỉnh ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nhanh và tác động của BĐKH, kết cấu hạ tầng của thành phố xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, thành phố vẫn còn những tồn tại như: Các tuyến đường đô thị có mặt cắt nhỏ, chất lượng xấu, bị lấn chiếm lề đường, xây dựng không hoàn thiện. Các tuyến giao thông đối ngoại đi xuyên qua trung tâm thành phố gây cản trở giao lưu giữa các khu chức năng đô thị; tỷ lệ diện tích đường giao thông còn thấp so với quy hoạch. Hiện tại, chỉ có 85% dân số thành phố được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày, 15% dân số còn lại phải sử dụng nước giếng khoan. Hệ thống thoát nước chất lượng kém, rác thải chưa được phân loại, ảnh hưởng đến môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Công viên 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.Nỷ
Thành phố đang đứng trước những thách thức, khó khăn từ tác động của BĐKH, những năm gần đây thiên tai bất thường với cường độ tần suất ngày càng lớn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân Ninh Thuận. Theo đó, tỉnh được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư cao nhất để khắc phục hậu quả của BĐKH cũng như quá trình đô thị hóa. Trên cơ sở định hướng phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, thành phố đã có nhiều cố gắng trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, trọng điểm là triển khai dự án Nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hải Thượng Lãn Ông, tuyến đường đến Khu du lịch Ninh Chữ- Bình Sơn…
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các dự án hạ tầng đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay và trương lai, tỉnh đã đề xuất Ngân hàng Phát triển Châu Á hỗ trợ đầu tư Dự án cải thiện môi trường thành phố cấp II, với các nội dung: Xây dựng kè, chống xói lở, đảm bảo an toàn dân sinh, phát triển hành lang đô thị dọc bờ sông Dinh; xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông huyết mạch của thành phố; giảm thiểu ngập lụt, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, thích ứng với BĐKH; hỗ trợ xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản lý đô thị và thực hiện đầu tư. Ngày 11 - 3 vừa qua, Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan và đã đạt được một số thỏa thuận để sớm có quyết định cuối cùng triển khai dự án.
Anh Tùng