Khởi sắc mùa xuân giáo dục

Năm 2018 vừa khép lại, đánh dấu sự phát triển mới của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà. Đây là năm học thứ ba toàn tỉnh tập trung đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII vào cuộc sống, tạo động lực mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp kết hợp đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới công tác quản lý đã tạo nên sự khởi sắc đáng tự hào trong sự nghiệp “trồng người” thời kỳ hội nhập quốc tế.

Phát triển giáo dục vùng cao

Chúng tôi chọn huyện vùng cao Bác Ái làm điểm đến “xông đất” vào dịp đồng bào Raglai địa phương phấn khởi đón mùa Xuân mới 2019. Qua 44 năm quê hương giải phóng và qua 27 năm tái lập tỉnh đã tạo nên diện mạo giáo dục vùng cao ngày càng khởi sắc. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, phấn khởi: Từ ngày tái lập huyện đến nay, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở trường lớp khang trang tạo nền tảng vững chắc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đến nay, huyện Bác Ái đã nhận được sự đầu tư của Trung ương, địa phương và hỗ trợ của các doanh nghiệp trên 953 tỷ đồng thực hiện nhiều hạng mục xây dựng giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt hỗ trợ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Tính riêng trong năm 2018, huyện Bác Ái nhận được các nguồn vốn của Nhà nước và các doanh nghiệp trên 5,1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 10 hạng mục phát triển sự nghiệp giáo dục: Xây dựng Trường Mẫu giáo xã Phước Tân trị giá 1,6 tỷ đồng; xây mới 6 phòng học Trường THCS Võ Thị Sáu (Phước Hòa) trị giá 1,21 tỷ đồng; xây dựng Trường Mẫu giáo Phong Lan (Phước Bình) trị giá 1,6 tỷ đồng…

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn học tập trong cơ sở trường lớp hiện đại.

Hệ thống trường lớp ở các xã được Nhà nước đầu tư và doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng kiên cố theo hướng đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm điều kiện dạy và học. Tính đến đầu năm học 2018- 2019, toàn huyện có 769 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại 38 trường học từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn 9 xã, đảm nhận giảng dạy trên 7.600 học sinh các cấp học đến trường. Hàng năm, huyện Bác Ái có trên 120 học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cung cấp nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo cho địa phương. “Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục huyện Bác Ái ngày càng khởi sắc. Nhìn thấy cơ sở trường lớp khang trang, con cháu học hành tiến bộ, bà con rất vui mừng. Nhiều cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm trở về làm giáo viên dạy chữ cho con em bản làng. Tôi động viên bà con thôn xóm đầu tư nuôi con ăn học thành đạt có kiến thức để vươn lên thoát nghèo bền vững, tích cực góp phần xây dựng quê hương Bác Ái ngày càng giàu mạnh”, Bác sĩ Mẫu Thị Bích Phanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, chia sẻ niềm vui giữa mùa Xuân mới 2019.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tính đến mùa Xuân 2019, ngành GD&ĐT tỉnh ta có 10.664 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho trên 140.300 học sinh các cấp học; trong đó có 7.864 giáo viên trực tiếp đứng lớp đều đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ sư phạm. Trên địa bàn tỉnh còn có Phân hiệu Đại học Nông Lâm thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo hàng chục ngàn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng nguồn nhân lực tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tỉnh ta đã huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ đắc lực đổi mới sự nghiệp GD&ĐT. Tính riêng trong 5 năm gần đây, từ nguồn vốn vay và vốn đối ứng của tỉnh 41,8 tỷ đồng và vốn trái phiếu của Chính phủ 82 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường lớp hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho học sinh các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho GD&ĐT trên 422,6 tỷ đồng. Tỉnh ta có hai cơ sở giáo dục tư thục là Hoa Sen và iSchool Ninh Thuận đảm nhận đào tạo học sinh từ bậc học mầm non đến THPT. Đây là hai đơn vị trường học ngoài công lập có quy mô xây dựng khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có hàng ngàn sinh viên đang học tập tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Tính riêng năm 2018, toàn tỉnh có 95,57% số thí sinh tốt nghiệp THPT và trên 64% số thi trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo ngày càng đông, khẳng định sự nghiệp trồng người trên quê hương Ninh Thuận ngày càng khởi sắc. So với thời điểm tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT Ninh Thuận sánh vai ngang tầm với các tỉnh có nền giáo dục phát triển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo niềm tin đối với cán bộ và nhân dân địa phương.

Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận đào tạo sinh viên có  trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Ảnh: Văn Nỷ

Tỉnh ta có nhiều học sinh đạt danh hiệu học giỏi cấp quốc gia và thi đỗ thủ khoa các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh đạt thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc ở các trường đại học quốc tế. Trong đó có những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng như: Dương Anh Vũ xác lập 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật, được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Leeds (Vương Quốc Anh); Châu Thanh Vũ, tốt nghiệp hạng danh dự tại Đại học Princeton và được 8 trường đại học tại Hoa Kỳ cấp học bổng toàn phần, là nghiên cứu sinh kinh tế tại Đại học Harvard; Lê Huyền Thảo Uyên tốt nghiệp Thạc sĩ trở thành giảng viên bộ môn Toán giải tích tại Trường Đại học West Virginia, Hoa Kỳ; Nguyễn Hữu Cát Thư được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành Kỹ sư chế tạo của Viện công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ)...

Chia sẻ niềm vui về thành tựu chăm lo sự nghiệp “trồng người”, đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong năm, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung triển khai đưa nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh vào thực tiễn cuộc sống đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện đưa sự nghiệp GD&ĐT ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy và học tiếp cận với trình độ tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và đẩy mạnh việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 theo Chỉ thị số 41/2017-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phát huy thành tựu đạt được, ngành GD& ĐT tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2018- 2019 và những năm tiếp theo.