Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%

Năm 2018 khép lại với niềm hứng khởi khi GDP cả năm tăng 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao gấp đôi so với lạm phát; xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD - giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,1 tỷ USD và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay...

Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% ở mức 3,54%. Kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng để cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Có thể nói, năm 2018 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh mẽ, tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng tăng lãi suất, sự khó lường trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp... Ở trong nước, những tồn tại nhiều năm trước chưa được khắc phục triệt để, đó là năng suất lao động còn hạn chế, giải ngân vốn đầu tư tuy có sự cải thiện, nhưng vẫn chậm, tiến trình cơ cấu nền kinh tế chưa được mạnh mẽ... là những yếu tố gây cản trở sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, xác định năm 2018 là năm bản lề quyết định sự thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với phân tích, nhận định được tình hình thực tế kèm theo đó là sự uyển chuyển trong chỉ đạo, điều hành tại mỗi thời điểm của Chính phủ, đặc biệt là việc giao trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát nhiệm vụ được giao, các chỉ số kinh tế đạt được đã ghi dấu sự thành công trong điều hành của Chính phủ và nỗ lực thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.

Trong năm 2018, điểm nhấn thành công nhất trong điều hành của Chính phủ là việc nỗ lực chỉ đạo đưa các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và gần đây nhất là Nghị quyết 139 của Chính phủ về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vào thực tế. Việc này đã tạo sự hứng khởi, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp. Bằng chứng là năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 5.000 doanh nghiệp so với năm 2017.

Năm 2018 cũng ghi nhận Việt Nam nỗ lực trong hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách từng bước đưa hệ thống chính sách Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nhờ sự tương thích với yêu cầu hội nhập đã giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển thị trường, khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh, chất lượng. Dự kiến đến cuối năm 2018, Việt Nam thu hút 27.353 dự án FDI của 130 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 340,1 tỷ USD. Hiện khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo ra 8,5 triệu việc làm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xác lập kỷ lục mới, đạt 482,23 tỷ USD, xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, năm 2018 tiếp tục ghi nhận quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả với chất lượng ngày càng được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên cũng như nguồn vốn tín dụng.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức cần được giải quyết. Đó là sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới; căng thẳng do cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể kéo dài; xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.

Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... cùng với việc mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.

Trước những thách thức này, năm 2019 được cho là năm then chốt quyết định sự thành công của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải tạo dựng các động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trước hết phải kể đến động lực đến từ hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển sang giai đoạn mới. Năm 2019 Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với Cộng đồng chung châu Âu với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cũng sẽ là động lực quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ liên tục thúc ép các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục tạo niềm tin, cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp.