Phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

(NTO) Ngày 25-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) năm 2018, với chủ đề “Sự nguy hiểm của bệnh TCM” và “Rửa tay bằng xà phòng góp phần phòng chống dịch bệnh TCM”. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

Thời gian qua, bệnh TCM trên cả nước nói chung và tại tỉnh ta nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 90.000 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, đã có 6 trường hợp tử vong. Riêng tỉnh ta số trường hợp mắc TCM tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi chiếm đến 99%, trẻ dưới 3 tuổi trên 85%. Dự báo trong thời gian sắp tới, bệnh TCM tiếp tục gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: tăng cường truyền thông phổ biến các nội dung, kiến thức phòng chống bệnh TCM; vận động người dân, nhất là trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên rửa tay bằng xà phòng…, chiến dịch sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh TCM, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Lễ phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi lãnh đạo các cấp, các ngành, các hộ gia đình cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng chiến dịch. Đồng chí đề nghị chính quyền các cấp, sau lễ phát động của tỉnh, tổ chức hiệu quả chiến dịch tại địa phương; trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp khống chế bệnh TCM; kiểm tra việc cung cấp nước sạch và hỗ trợ xà phòng rửa tay cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn, quyết không để bệnh TCM bùng phát.

* Ngày 25-10, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về tình hình thực hiện Đề án Nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: U.Thu

Theo báo cáo, việc thực hiện Đề án Nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Về thực hiện các tiêu chí để nâng điểm xếp hạng bệnh viện, theo kết quả kiểm tra của Sở Y tế, đến thời điểm hiện nay, bệnh viện đã đạt 89 điểm (tiêu chuẩn điểm xếp hạng để đạt bệnh viện hạng I từ 90 điểm trở lên). Dự kiến đến năm 2019, bệnh viện tiếp tục các tiêu chí phấn đấu đạt 92 điểm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định, chất lượng hoạt động theo quy mô bệnh viện hạng I, bệnh viện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tập trung vào các vấn đề: Đào tạo nhân lực, chế độ đãi ngộ, giữ chân bác sĩ; kinh phí hoạt động; thiếu nguồn vốn để thực hiện một số công trình, dự án mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ khám, chữa bệnh...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I là chủ trương đúng đắn, thiết thực, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Vì vậy yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các sở, ngành liên quan cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đối với các khó khăn, vướng mắc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục làm việc, phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan đề ra các giải pháp tham mưu UBND tỉnh xem xét tháo gỡ nhanh chóng, hiệu quả; trong đó chú trọng đến việc tìm kinh phí, huy động nguồn lực; quy trình thủ tục thực hiện các công trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất mở rộng, đầu tư bệnh viện theo đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động...