Chỉ thị của UBND tỉnh: Về thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(NTO) LTS: Ngày 9-10-2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND Về thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình số 235-CT/TU của Tỉnh ủy hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục; ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018-2019 tại Công văn số 3033-CV/TU ngày 11/9/2018 của Tỉnh ủy Ninh Thuận và tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Thuận;

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018-2019, như sau:

I. Phương hướng chung:

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đoàn thể và các sở, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả, vận dụng và áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, thực hiện đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018-2019 theo Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; rà soát các chỉ tiêu về phát triển Giáo dục và Đào tạo tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII để tập trung nguồn lực, giải pháp, đẩy mạnh tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra đến năm 2020; chủ động làm cho xã hội cùng đồng hành với ngành trong sự nghiệp phát triển Giáo dục và Đào tạo một cách bền vững.

1. Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp cơ bản với phương hướng chung là: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn thân thiện, lành mạnh trong và ngoài nhà trường, hạn chế và ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội trong trường học và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Trường TH Từ Tâm 1, xã Phước Hải (Ninh Phước) nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Văn Nỷ.

2. Giáo dục mầm non tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

3. Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

4. Giáo dục thường xuyên tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch “Xóa mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; tăng cường quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn; tạo ra sự thống nhất, thông suốt trong nhận thức và hành động trong toàn ngành, kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019.

II. Các nhiệm vụ chủ yếu:

1. Triển khai Đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên giai đoạn 2018-2020 của các địa phương và của cấp tỉnh; theo đó, thực hiện đề án một cách mạnh mẽ, có hiệu quả đúng lộ trình đề ra và đúng quan điểm chỉ đạo theo Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30-8-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thông báo số 258-TB/TU ngày 30-8-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 181-CTr/TU ngày 21-2-2018 của Tỉnh ủy, Quyết định số 1940/QĐ-UBND ngày 10-10-2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 18-5-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong toàn tỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho lớp 1 bắt đầu từ năm học 2019-2020.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo theo Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7-5-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo phù hợp quy mô trường lớp theo kế hoạch, đề án được duyệt; thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20-7-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục; thực hiện các giải pháp bảo đảm số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu theo các vị trí việc làm.

3. Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả; đẩy mạnh công tác phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1598/KH-UBND ngày 19-4-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ, ưu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo khách quan, trung thực. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra; xây dựng và phát triển môi trường học, sử dụng ngoại ngữ; tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đẩy mạnh công tác quản lý nâng cao chất lượng dạy học của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

5. Tiếp tục triển khai Kế hoạch 1951/KH-UBND ngày 25-5-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các sở giáo dục và đào tạo, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.

6. Đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tăng cường giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới; triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6-6-2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác khả thi tại địa phương; tổ chức tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến việc công dân ra nước ngoài học tập.

7. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, tham mưu kế hoạch và triển khai xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp phòng học, các phòng chức năng, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định, trong đó chú trọng ở các vùng khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và lớp 1 để chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; mở rộng tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với cấp Tiểu học; đảm bảo nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án tại địa phương nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

8. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng quan hệ liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học trong nước về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, liên thông chương trình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ;; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 31-1-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30-3-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án về hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong ngành Giáo dục theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút sinh viên giỏi, giáo viên giỏi về giảng dạy tại trường chuyên của tỉnh.

9. Với mục tiêu “Ổn định, phát triển bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân tỉnh nhà”, bên cạnh triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; đổi mới nâng cao hiệu quả phong trào thi đua trong toàn ngành gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học; giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao năng lực quản trị trường học; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện cuộc vận động của ngành “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trở thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục; Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 22-6-2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường quản lý cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang tinh khi tham gia mạng xã hội gắn với công tác bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ giáo viên, sinh viên và học sinh trong toàn tỉnh; thực hiện phát động trong toàn ngành phong trào thi đua “Đảm bảo vệ sinh môi trường học đường”; tham mưu, triển khai một số chính sách, chế độ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhằm động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh trường chuyên thi đua dạy tốt, học tốt để dành kết quả trong học tập và trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia.

- Tăng cường công tác tuyên truyền quán triệt, nâng cao nhận thức tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 29-6-2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Kế hoạch hành động số 492/KH-UBND ngày 18-2-2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo tạo sự đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016- 2020; Kế hoạch 5371/KH-UBND ngày 4-11-2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 235-CT/TU ngày 20-1-2014 của Ban Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

- Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo hướng tăng cường kiểm tra công tác quản lý giáo dục; trật tự kỷ luật, kỷ cương hành chính trong trường học; quản lý thu-chi; dạy thêm, học thêm theo đúng quy định; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục trong quản lý dạy thêm-học thêm, quản lý thu chi theo quy định, chống việc lạm thu các khoản nằm ngoài quy định; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với học sinh thuộc diện chính sách, học sinh miền núi, dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

III. Những giải pháp cơ bản:

1. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giáo dục và đào tạo:

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật, các cơ chế chính sách đã ban hành; tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, nhất là chính sách đối với các đối tượng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, dân chủ trong nhà trường, lạm thu, dạy thêm học thêm, an toàn trường học, đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên và giáo viên.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp:

Triển khai thực hiện các chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định và tổ chức kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp học; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị trường học, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ quản lý theo chuẩn; tăng cường công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo:

Đầu tư kinh phí chi ngân sách nhà nước theo hướng phù hợp, hiệu quả đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp với ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Thực hiện công tác xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của các cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Khuyến khích phát triển loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, đóng góp theo quy định.

4. Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục:

Thực hiện phương án tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 có hiệu quả, nghiêm túc, đúng quy chế; tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm, duy trì ổn định và hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo:

Tổ chức truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành giáo dục và đào tạo; truyền thông kết quả 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và các quy định mới của ngành. Truyền thông về công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành Giáo dục; các tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo và đạt kết quả tốt trong dạy và học.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Các sở, ban, ngành và địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố cùng các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh kịp thời theo dõi đưa tin tuyên truyền sâu rộng về đổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo, truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo; tăng cường truyền thông nêu gương người tốt việc tốt, biểu dương những tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên đổi mới, sáng tạo và có kết quả tốt trong dạy và học, những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị, trường học thực hiện Khung kế hoạch thời gian năm học 2018-2019 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1298/QĐ-UBND ngày 7-8-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh quan tâm, phối hợp với ngành giáo dục, Ủy ban nhân dân các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội chung tay xây dựng xã hội học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019.

Chỉ thị này được phổ biến tới tất cả cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong toàn tỉnh quán triệt và thực hiện. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ quý, năm.