Căng thẳng giữa Nga và Israel sau vụ máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi

Trong những ngày qua, những tranh cãi giữa Nga và Israel xung quanh vụ chiếc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn hạ ngoài khơi Syria khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng, đang khiến mối quan hệ vốn tốt đẹp lâu nay giữa Nga và Israel rơi vào căng thẳng. Đồng thời, vụ việc này đã đặt ra thách thức đối với khả năng phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Syria.

Cáo buộc xoay quanh máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi

Sự việc bắt đầu khởi phát từ ngày 17-9, khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konasenkov (I-go Cô-na-sen-cốp) cho biết chiếc máy bay Il-20 của Nga đã bị mất liên lạc trong một cuộc tấn công của 4 máy bay tiêm kích F-16 của Israel vào các mục tiêu tại tỉnh Latakia của Syria. Phía Nga cáo buộc, dù về mặt kĩ thuật, tên lửa Syria đã trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay, nhưng Nga khẳng định nguyên nhân của thảm họa này là do các máy bay Israel đã sử dụng chiếc Il-20 làm lá chắn phòng thủ. Đây là trường hợp bắn nhầm nghiêm trọng nhất giữa Nga và Syria kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria từ cuối năm 2015. Nga cũng khẳng định phía Israel trong vụ này đã có hành động khiêu khích, thù địch, không hợp tác và Nga có quyền hành động đáp trả phù hợp.

Phản ứng lại những cáo buộc của Nga, Israel cho rằng hệ thống phòng không Syria đã “bắn bừa bãi” và không xác định có máy bay Nga đang hoạt động trên bầu trời hay không. Thủ tướng Israel Netanyahu đã đề xuất hỗ trợ Moskva điều tra vụ việc trên.

Tuy nhiên, nhằm củng cố những kết luận của mình, ngày 23-9, Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức cuộc họp báo công bố chi tiết liên quan đến vụ máy bay trinh sát Il-20 bị hệ thống phòng không Syria bắn rơi trên Địa Trung Hải, theo đó Nga khẳng định rằng lỗi gây ra vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi ở Syria hoàn toàn thuộc về "Lực lượng phòng không Israel".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh những dữ liệu khách quan đưa ra cho thấy, hành động của các phi công lái máy bay tiêm kích của Israel không chuyên nghiệp hoặc ít nhất là mắc tội thiếu trách nhiệm. Ông Konashenkov nêu rõ lực lượng phòng không của Israel đã đánh lừa máy bay quân sự của Nga về vị trí tấn công của máy bay tiêm kích F-16, khiến máy bay trinh sát Il-20 không thể bay vào khu vực an toàn.

Ông Konashenkov cũng cho biết, trước khi xảy ra thảm họa nói trên, trong quá trình đàm phán, đại diện phía Israel cho biết lực lượng không quân nước này sẽ tấn công vào những mục tiêu ở phía Bắc Syria, song thực tế phía Israel lại tấn công vào các mục tiêu ở phía Tây Syria.

Đáp lại, quân đội Israel đã bác bỏ các tài liệu do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Quân đội Israel khẳng định Không quân Israel không ẩn đằng sau bất kì máy bay nào và máy bay Israel ở không phận Israel vào thời điểm chiếc máy bay Nga bị bắn rơi. Đồng thời, quân đội Israel cũng tuyên bố sẽ không ngừng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria nhưng cũng vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp giữa các hoạt động của quân đội Nga và Israel tại Syria.

Có thể thấy, sự cố liên quan đến máy bay Il-20 đang khiến mối quan hệ song phương Nga-Israel bị tổn hại nghiêm trọng bởi trước đó hai nước này vốn có mối quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp sự bất ổn ở Trung Đông.

Đẩy quan hệ Nga-Israel rơi vào căng thẳng

Trung Đông lâu nay vẫn là mảnh đất tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa những nước lớn trên thế giới. Kể từ sau sự kiện Mùa xuân Arab đã khiến khu vực vốn phức tạp này càng trở thành nơi để các bên theo đuổi tham vọng riêng. Tuy vậy, Nga và Israel vẫn luôn cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

Hồi năm 2015, Nga và Israel đã thiết lập đường dây nóng nhằm trao đổi thông tin, tránh các vụ va chạm giữa quân đội hai nước khi tham chiến tại Syria.

Năm 2017, trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn gia tăng trừng phạt Nga thì Israel vẫn đẩy mạnh thương mại song phương với Nga thêm 20%, lên tới hơn 3 tỷ USD.

Đầu năm 2018, khi các nước phương Tây gây sức ép trục xuất đến 150 nhà ngoại giao Nga thì Israel cũng từ chối trục xuất nhà ngoại giao Nga tại nước này.

Cũng trong năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu 3 lần, và cả 3 lần báo chí đều có rất ít thông tin chi tiết từ những cuộc họp kín. Tháng 5-2018, người ta thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những khách mời tới dự lễ diễu binh của Nga tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, dù trước đó, báo chí không hề có thông tin nào về điều này.

Thông qua ngoại giao không chính thức, Nga duy trì mối quan hệ gần gũi với Israel. Việc Israel là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ chưa bao giờ là vấn đề với Nga. Và bản thân Nga cũng vẫn duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những kẻ thù được cho là không đội trời chung với Israel.

Đối với Nga, Israel là một đối tác quan trọng về mặt địa chính trị, được cho là có khả năng hạt nhân, nằm ở trung tâm khu vực bất ổn nhất thế giới. Không chỉ thế, Israel còn là nhà của khoảng 1,3 triệu người sinh ra ở các nước thời hậu Xô Viết. Điều này đóng vai trò quan trọng khi Nga đưa ra những cách tiếp cận đối với Israel.

Ngay cả đối với cuộc chiến tại Syria, Israel lâu nay luôn lo ngại những chiến thắng gần đây của chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga, Iran và phong trào Hezbollah của người Liban dòng Shiite, không chỉ mở rộng cánh cửa giải quyết hòa bình cuộc chiến giữa nhiều phe phái kéo dài 7 năm, mà còn có thể khiến Iran hiện diện lâu dài tại quốc gia này, ở những địa điểm bao gồm các căn cứ quân sự gần biên giới Israel. Điều này khiến Israel lo ngại bởi nước này luôn coi Iran và nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn là “kẻ thù không đội trời chung”.

Do đó, những năm qua, Israel liên tục tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ của nước láng giềng Syria nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran. Nhưng sau mỗi cuộc tấn công trên, tuy Israel bị Syria và Nga chỉ trích rằng Israel can thiệp quân sự vào một nước mà không được sự đồng ý của chính phủ của nước đó và Liên Hợp Quốc là bất hợp pháp, song thực tế Nga cũng không hề có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Israel để ngăn chặn những vụ tấn công như vậy.

Tuy nhiên, với sự việc máy bay Il-20 bị bắn rơi khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng lần này, các nhà phân tích cho rằng, việc Nga nhanh chóng đổ lỗi cho phía Israel cho thấy “Nga đã rất bức xúc với những hành động vô trách nhiệm” của Israel.

Trong khi Israel không nhận trách nhiệm và cho rằng Syria mới là nước phải chịu trách nhiệm trong vụ máy bay Il-20, đồng thời khẳng định sẽ không ngừng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria để bảo vệ an ninh và lợi ích của mình, Tổng thống Nga Putin ngày 24-9 đã quyết định sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria trong vòng 2 tuần tới. Trước đó hồi tháng 5-2018, Nga từng có ý định cung cấp hệ thống S-300 cho Syria sau vụ không kích của các nước phương Tây vào Syria vào tháng 4-2018 trước đó, nhưng kế hoạch này sau đó lại bị trì hoãn do những tác động từ Israel.

Lý giải quyết định trang bị S-300 cho Syria, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Đmi-tơ-ri Pê-scốp) khẳng định quyết định của Nga nhằm mục đích tăng cường an ninh cho quân đội Nga ở quốc gia Trung Đông này. Tổ hợp S-300 được phát triển tại Liên Xô từ thập niên 1970 và mục đích chính là nhằm bảo vệ và kiểm soát không phận trước mối đe dọa từ máy bay ném bom, tiêm kích và các mục tiêu đường không khác. Cho đến nay, S-300 vẫn là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới, một thứ vũ khí được rất nhiều nước khao khát sở hữu bởi tính hiệu quả hàng đầu trong bảo vệ vùng trời.

Hệ thống phòng không hiện tại của Syria chủ yếu là những hệ thống tên lửa đời cũ như S-125 và S-200. Nhưng với S-300, nó sẽ cho phép Syria phát hiện và theo dấu các máy bay Israel ngay khi vừa cất cánh khỏi các căn cứ trên lãnh thổ Israel. Điều này đồng nghĩa với việc Israel sẽ không còn có thể “thoải mái” oanh tạc các mục tiêu tại Syria như họ đã từng thực hiện trong vòng 18 tháng qua. Từ nay máy bay Israel chắc chắn sẽ đối mặt rủi ro lớn khi phòng không Syria được trang bị “rồng lửa” S-300 của Nga. Và chắc chắn điều này khiến Israel không hề hài lòng.

Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến này không chỉ khiến quan hệ giữa Nga và Israel trở nên căng thẳng mà nó còn đặt ra thách thức đối với khả năng phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Syria. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria đang diễn biến hết sức phức tạp với sự tham chiến của nhiều bên đối địch cũng như các lực lượng nước ngoài, nếu không có sự hợp tác phối hợp giữa các bên, sẽ có thể dẫn đến nguy cơ Syria sẽ bị “xâu xé” và cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này có khả năng tái bùng phát trên quy mô rộng.