Theo nguồn tin từ Công an tỉnh cung cấp, vào lúc 20 giờ ngày 26-4-2018, nhận được tin tố giác của quần chúng, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hộ khẩu tại số nhà 951, đường 21Tháng 8, phường Đô Vinh, (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), do Trần Đình Phú, sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại Kỳ Phương, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thuê lại của ông Lê Đức Hậu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 7 người đang tập trung sinh hoạt. Các đối tượng gồm: Trần Đình Phú làm trưởng nhóm, cùng một số cộng sự là Nguyễn Thị Kim Tiên (SN 1993, ngụ huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), Lê Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1976, ngụ quận 12, TP. Hồ Chí Minh), Phạm Hoài Phương (SN 1993, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)… Nhóm này đã hoạt động trái pháp luật tại tỉnh Ninh Thuận từ tháng 3-2018 đến nay.
Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ 14 tài liệu không có giấy phép xuất bản, nội dung tuyên truyền về HTĐCT. Qua đấu tranh khai thác, số đối tượng trên thừa nhận sinh hoạt theo HTĐCT do Trần Đình Phú làm trưởng nhóm ở Ninh Thuận. Hiện nay, Phú đã lôi kéo được 10 người tại Ninh Thuận tham gia tổ chức.
Tài liệu truyền đạo trái phép bị lực lượng chức năng thu giữ.
Tổ chức HTĐCT (còn có tên gọi khác “Đức Chúa Trời Mẹ”) có nguồn gốc từ Hàn Quốc, hiện đã có mặt ở 175 quốc gia trên thế giới, tập hợp được hơn 2 triệu thành viên; tập trung trong 1.200 hội thánh. Giáo lý của tổ chức này có nội dung mang tính chất mê tín. Ở Việt Nam, tổ chức này xuất hiện từ năm 2001 ở 20 tỉnh, thành phố và đã lôi kéo trên 2.300 người. Từ cuối năm 2016 đến nay, số cốt cán của HTĐCT đã 3 lần đến Ninh Thuận truyền đạo trái pháp luật và bị lực lượng chức năng xử lý, trục xuất khỏi địa phương. Khác với các tôn giáo chính thống, đã được Nhà nước công nhận, cái gọi là giáo lý của HTÐCT có nội dung mang tính chất tà giáo, nặng về mê tín dị đoan, hoàn toàn xa lạ và đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán của người Việt Nam.
Qua theo dõi, nhận thấy thành phần mà các đối tượng này hướng đến để tuyên truyền, lôi kéo là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người dân ở vùng khó khăn,... Về hình thức tuyên truyền, các đối tượng chia nhóm 2 người, đi xe máy đến cổng trường học, công viên, quảng trường, bãi biển, khu du lịch tập trung đông người hoặc đến tận nhà dân để trực tiếp truyền đạo…
Tính nguy hại của việc theo tổ chức HTĐCT, ngoài việc giáo lý (kinh thánh) có nhiều nội dung mê tín, thậm chí “đe dọa” tinh thần của người tin theo, như: “ai tin và chịu phép báp-têm, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai không tin, sẽ bị đoán phạt”. Những người theo tổ chức này thường mê muội, bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn; học sinh, sinh viên bỏ học, bỏ gia đình đi theo “hội thánh”… nên người thân của họ đã gửi đơn tố cáo đến các cấp chính quyền đề nghị cấm tổ chức này hoạt động.
Do đó theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, mọi người nên hết sức cảnh giác, không nghe theo luận điệu lôi kéo của các đối tượng. Khi gặp các đối tượng truyền đạo, không tiếp xúc, nói chuyện, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ trường học, cơ quan cho các đối tượng để tránh bị làm phiền. Nếu bị lôi kéo, làm phiền, hoặc phát hiện các đối tượng tổ chức nhóm họp sinh hoạt hoặc đang tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo người vào HTĐCT trái pháp luật gọi điện thoại, hoặc thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết để xử lý.
Anh Tuấn