Cảnh báo tai nạn đuối nước trẻ em trong mùa hè

(NTO) Mới đầu mùa nắng nóng nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một trường hợp trẻ bị tử vong do đuối nước. Tình trạng trẻ em đuối nước thường gia tăng, khi học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Chính vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em là rất cần thiết.

Chiều ngày 21-4, tại kênh Nam, xã Phước Hữu (Ninh Phước) xảy ra vụ đuối nước làm một người tử vong. Nạn nhân là em Bình Nhất Gen (9 tuổi), học sinh lớp 3, Trường TH Tân Đức. Theo người nhà của nạn nhân, vào chiều cùng ngày, Gen xuống kênh Nam, cạnh nhà để tắm nhưng không xin phép người nhà. Đến giờ ăn tối, không thấy cháu về, mọi người mới hốt hoảng đi tìm. Nghi cháu bị đuối nước dưới kênh, nên gia đình đã báo chính quyền địa phương cử lực lượng dân quân hỗ trợ tìm kiếm.

UBND xã Phước Hữu cho biết: Xã đã đề nghị cơ quan chức năng cho đóng nước hệ thống kênh Nam, đồng thời huy động lực lượng dân quân cùng với người dân tích cực tham gia tìm kiếm. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, thi thể cháu mới được tìm thấy cách nơi xảy ra tai nạn hơn 3 km. Theo UBND xã Phước Hữu, dọc theo kênh Nam có rất nhiều hộ dân sinh sống. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, địa phương cũng đã tuyên truyền, cắm biển cảnh báo, nhưng tai nạn đuối nước vẫn xảy ra.

Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh các hồ chứa nước không có người trông coi, nhiều kênh mương, sông suối chảy qua các địa phương là nơi trẻ em thường rất thích tắm mỗi khi thời tiết nắng nóng. Đây là những mối nguy hiểm thường trực đối với trẻ nhỏ, nhất là những em hiếu động, không ý thức được sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước.

 

Cần phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Ảnh: Anh Tuấn.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, trong 3 năm trở lại đây, mặc dù tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa nhưng vẫn xảy ra trên 100 vụ tai nạn thương tích và đuối nước đối với trẻ em, làm tử vong 35 em, trong đó 27 em tử vong do đuối nước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do các em rủ nhau đi câu cá, tắm sông, suối không biết bơi, trượt chân rơi xuống nước và do người lớn trông coi bất cẩn để trẻ ngã xuống ao, hồ, mương nước gần nhà...

Nhằm tăng cường sự phối hợp, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh đuối nước trẻ em, nhất là ở những vùng khó khăn, có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Các địa phương rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực có nguy cơ đuối nước cho trẻ em; khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy bơi cho học sinh. Mặt khác, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, cấp giấy phép và quy định các điều kiện an toàn tại bể bơi, bãi tắm, các bến tàu, phương tiện đường thủy; xây dựng “chương trình bơi an toàn”, dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường học; nhắc nhở, tuyên truyền trẻ sử dụng phao khi tham gia các hoạt động vui chơi trong môi trường nước…

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh: Các gia đình cần thường xuyên quan tâm, giám sát con em trong thời gian nghỉ hè. Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông suối khi không có người lớn đi cùng. Nhà gần sông, suối cần rào chắn và thường xuyên nhắc nhở các con không tới gần; lấp kín các hố và rãnh sâu sau khi sử dụng. Để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc đối với trẻ em, mỗi gia đình cần phát huy tinh thần trách nhiệm giáo dục, quan tâm con cái và tích cực hướng các em học tập, rèn luyện các kỹ năng tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm do tai nạn đuối nước.