Thuận Bắc: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

(NTO) Từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thuận Bắc. Song nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các Nghị quyết của Huyện ủy, ngay từ đầu năm UBND huyện đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, ưu tiên nhất vẫn là công tác ứng phó với hạn hán và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội địa phương vẫn có nhiều chuyển biển. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành trọng điểm vẫn giữ được mức ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ, tạo bước chuyển biển cho nền kinh tế của huyện.

 
Nông dân thôn Kà Rôm, xã Công Hải chăm sóc cây đậu xanh chuyển đổi trong mùa hạn.

Nét nổi bật là ở lĩnh vực nông nghiệp, ước tính giá trị sản xuất đạt 385 tỷ đồng, đạt 64,1% và tăng gần 48% so cùng kỳ. Trong đó, đối với trồng trọt, công tác phòng, chống hạn luôn được chủ động, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp tích cực ngay từ cuối năm 2015 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ gắn với việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Nhờ công tác điều tiết nước hợp lý, xuống giống gieo trồng đúng thời vụ và điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hạn hán nên kế hoạch sản xuất vẫn đảm bảo với chỉ tiêu đề ra. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm tổng diện tích gieo trồng toàn huyện trên 4.050 ha, đạt 54,7% kế hoạch; dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ, sản lượng một số cây trồng chính đạt khá, một số mô hình sản xuất có hiệu quả như: “1 phải, 5 giảm”, tưới nước tiết kiệm tiếp tục được áp dụng và nhân rộng. Kết quả khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt khá cao, ước sản lượng khai thác trong 6 tháng đạt 40,5 tấn, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong công tác chống hạn địa phương cũng đã tạo được “dấu ấn” nhờ chuyển đổi phù hợp một số cây trồng cạn, chủ yếu là cây đậu xanh đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân trong vùng thiếu nước. Ông Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải, cho biết: Trước tình hình hạn hán kéo dài, địa phương đã thực hiện chuyển đổi hơn 100 ha cây trồng hằng năm sang cây đậu xanh. Trong đó đã thu hoạch sớm trước vụ hè –thu 45ha, với giá 24.000 đồng/kg, bà con thu lãi từ 2 đến gần 3 triệu đồng/sào. Trong điều kiện hạn hán như thế, việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại thu nhập khá, giúp người dân yên tâm và mạnh dạn sản xuất tiếp trong những vụ tới. Đây là một trong những xã có diện tích chuyển đổi cây trồng cạn khá lớn của huyện Thuận Bắc.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, theo đánh giá mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt thấp, ước giá trị sản suất đạt 601 tỷ đồng, giảm 1% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do một số ngành hàng trọng tâm của huyện như sản xuất đá xây dựng, phân hữu cơ…giảm mạnh và tình hình đầu tư xây dựng của các thành phần kinh tế có bước chững lại, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Tuy nhiên qua nhận định, trong hai tháng gần đây tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở trên địa bàn huyện đã có bước tăng trưởng trở lại. Các ngành hàng có đóng góp tăng trưởng đã bắt đầu ổn định trở lại như: xi măng tăng 6%; gạch tuy nen tăng 39%... Bên cạnh đó, một số nhà máy dự kiến tăng công suất hoạt động như: Nhà máy chế biến rau cau Sơn Hải; sản xuất bao bì Huy Tiến…sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp huyện phát triển và tạo bước đột phá trong những tháng cuối năm.

Song song với giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… tiếp tục được huyện quan tâm, đẩy mạnh. Các chính sách an sinh, xã hội, chăm lo cho người có công được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, địa phương đã giải quyết việc làm cho gần 640 lao động, đạt trên 70% kế hoạch; đã tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 25.000 lượt bệnh nhân ở hai tuyến; huyện tiếp tục được UBND tỉnh công nhận là địa phương duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi…

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, theo đồng chí Lê Kim Hoàng, trong những tháng cuối năm, huyện tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu: Tiếp tục chủ động thông tin kịp thời về tình hình kinh tê – xã hội của huyện và những chủ trương, chính sách của Trung ương của tỉnh để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch ngành trồng trọt để chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các loại cây trồng cạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế… để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư; thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…tạo bước đột phá để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.