Chuyện "chỉ vì thương... hại"

(NTO) Mới sáng tinh mơ mà nhà bên nghe tiếng trẻ la khóc, hẳn có chuyện gì đây, bà con chòm xóm ghé lại xem có gì cần giúp đỡ. Bà cụ chủ nhà thảng thốt: Con gái tôi nó bỏ đi đâu không biết để lại hai đứa con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi, giờ biết sao đây!? Tưởng chuyện gì chứ việc con gái bà cụ bỏ đi ít tháng rồi lại về đã trở thành chuyện thường ngày nơi phố nhỏ này.

 
Ảnh minh họa.

Chẳng là bà cụ có cô con gái út ngọng ngịu được nuông chiều từ nhỏ ai ai cũng biết. Bà sinh được năm cô cậu, nhưng chỉ mỗi cô út đã ngọng lại lùn, xấu gái nhất nhà. Bởi vậy, bà thương cô út nhất. Cái phố nhỏ gia đình bà cụ sinh sống nằm heo hút nơi bờ đê, người dân sống bằng nghề buôn bán vặt, thu mua ve chai…, đa phần đều là những hộ nghèo. Trẻ em học xong trung học cơ sở ở nhà kiếm sống, ít có ai học lên cao. Không biết có phải tại nghèo hay trình độ dân trí thấp mà nơi đây lại sôi động với nạn số đề, cho vay nặng lãi, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác. Phải chăng gần mực thì đen, cô út từ nhỏ đã ham chơi trò tôm, cua, cá; gieo đồng tiền sấp, ngửa; xúc xắc chẵn, lẻ, mỗi lần năm, ba ngàn đồng. Bữa may mắn thắng gấp hai, ba lần số tiền ban đầu, lúc xui thua gấp cả chục lần. Trò chơi ăn tiền may rủi như ma lực cuốn hút cô út, để rồi có lúc vay nợ đến vài trăm ngàn đồng. Người cho vay đến nhà đòi, mẹ cô mới phát hiện ra con mình mê đỏ đen từ lúc nào không biết. Khi trưởng thành, may mắn cho cô có anh chàng thợ làm bánh cùng khu phố người tỉnh ngoài thương rồi nên vợ chồng. Gia đình, bà con khu phố mừng cho cô út, hy vọng có chồng con, cô sẽ chí thú lo thu vén gia đình. Sinh đứa con trai đầu lòng, cháu lớn lên giống cha như đúc, cô được chồng và ông bà nội cháu bé yêu thương hết mực. Cô út chỉ mỗi việc nuôi con, chi tiêu hàng ngày do chồng chu cấp, thiếu có mẹ đẻ lo. Vốn rảnh rang, bạn bè tới rủ rê, ban đầu cô chỉ xem cho vui, đôi khi tham gia bỏ vài chục ngàn vào cửa vừa thắng. Thế rồi, cái máu đỏ đen trỗi dậy lúc nào không biết, cô âm thầm vay nóng nướng vào chiếu bạc hàng trăm triệu đồng. Con nợ thuê người đến đòi tiền thì cô đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Bọn đòi nợ thuê gửi tối hậu thư đến mẹ cô, rằng trong vòng một tháng không trả tiền sẽ “mượn” đứa cháu trai. Lo sợ cho tính mạng cháu mình, cụ vội vàng a-lô cho anh con trai đang làm việc tại California tức tốc gửi gấp tiền về trả nợ. Vụ việc giải quyết êm xuôi, cô út trở về gia đình. Có lẽ thấy lỗi với chồng con, gia đình, cô út quyết tâm làm công việc gì đó có tiền phụ chăm lo cho gia đình. Lúc thì cắt nho bỏ mối, lúc bán trực tiếp tại chợ, công việc tất bật từ sáng sớm đến chiều tối, thu nhập cũng kha khá, ai cũng mừng cho cô út. Có chút vốn, cô út cho vay lãi suất 7-8%/tháng, nhàn hạ thu nhập cao, cô tìm mọi cách để huy động vốn cho vay lại. Lúc thì mượn anh chị ruột mấy chục triệu đồng mua mão mấy sào nho xanh, mượn mẹ tiền mua đất để trồng nho… nướng vào tín dụng đen. Rồi cái gì đến cũng sẽ đến, việc buôn bán nho tươi chỉ là bình phong để che giấu những hành vi cờ bạc. Cô út mang nợ hàng trăm triệu đồng do thua bạc, bị giật tiền từ cho vay nặng lãi. Mẹ cô buộc phải bán mấy lô đất mua từ tiền anh con trai ở nước ngoài bao năm lao động tích lũy tính sau này trở về quê hương dưỡng lão lúc tuổi già.

Nghe chuyện cô út bỏ nhà đi, mấy đứa cháu nội, ngoại nay đã trưởng thành đều thở ra: Tại bà cứ chống lưng cô út! Bài học từ xa xưa: Thương con phải hết sức nghiêm khắc dạy dỗ giống như “cho roi, cho vọt”, còn thương chiều con để chúng hư hỏng là điều hết sức tránh. Vậy nên, ai đó làm cha, làm mẹ dù yêu thương con hết mực cũng nên tự soi mình liệu có lúc nào đó thương hại chúng hay không? Chỉ như vậy, chúng ta mới làm tròn bổn phận người làm cha, làm mẹ.