Chào mừng ngày nhà giáo việt nam (20-11):

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

(NTO) Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí Lê Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi về công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà.

Phóng viên: Xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá về sự phát triển của ngành GD&ĐT tỉnh nhà trong những năm qua?

Đồng chí Lê Văn Bình
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

- Đồng chí Lê Văn Bình: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ các ngành, địa phương, sự đồng tình ủng hộ của Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân và bằng quyết tâm hành động của toàn ngành, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà có bước chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.

Ngành GD&ĐT đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học với các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp học. Mạng lưới, quy mô giáo dục không ngừng được củng cố, hoàn thiện, ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH; có đủ các loại hình GD&ĐT, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập phong phú của Nhân dân và thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Đến nay, có 100% xã, phường đã giữ vững được chuẩn về xóa mù chữ-phổ cập giáo dục Tiểu học; 100% xã, phường giữ vững được chuẩn về phổ cập giáo dục THCS... Kết quả tốt nghiệp THPT bình quân trong 5 năm qua đạt 94,94%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng bình quân đạt 22,42%, mỗi năm tăng 2,3%. Với hơn 10 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 99,83% giáo viên đạt chuẩn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của ngành. Đây chính là những con số minh chứng, khẳng định chất lượng giáo dục của tỉnh nhà đang tiến triển tốt đẹp. Những thành tựu GD&ĐT là rất có ý nghĩa, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.

Tri ân thầy, cô giáo. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tặng hoa chúc mừng thầy, cô giáo nhân ngày 20-11.
Ảnh: Sơn Ngọc

Phóng viên: Để đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD&ĐT, thời gian tới, tỉnh ta cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Đồng chí Lê Văn Bình: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT là: “Triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…”.  Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt sâu hơn, kỹ hơn, đầy đủ hơn và tổ chức triển khai thực hiện cụ thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 235-CT/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 5371/KH-UBND của UBND tỉnh; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về đổi mới GD&ĐT để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ và tích cực, chủ động tham gia.

Ngành GD&ĐT xây dựng kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm thực hiện Nghị quyết, có lựa chọn, xác định nội dung tập trung chỉ đạo tạo ra đột phá mới với kết quả cụ thể; có biện pháp chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và theo đuổi mục tiêu đến cùng nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về GD&ĐT ngay từ năm học đầu nhiệm kỳ 2015-2020. Thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, chú trọng tạo ra những bức phá mới trong quản lý GD&ĐT, quản trị trường học, chất lượng dạy học theo hướng dạy thực chất-học thực chất-thi thực chất và kết quả thực chất.

Phóng viên: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi gắm gì tới các thầy, cô giáo toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà?

- Đồng chí Lê Văn Bình: Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói “Người thầy giáo tốt-thầy giáo xứng đáng là thầy giáo-là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. 

Ngày nay, chúng ta đang sống và làm việc trong điều kiện thuận lợi hơn trước nhiều, song cũng có rất nhiều nhiệm vụ, thách thức đặt ra cho các nhà giáo: Yêu cầu của đổi mới căn bản nền giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong hội nhập phát triển; đào tạo theo nhu cầu của xã hội, điều kiện phương tiện dạy học, tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường…

Trước hết, tôi chân thành tri ân quý thầy, cô giáo vì “Không thầy đố mày làm nên” và tôi mong muốn, đề nghị các thầy, cô giáo luôn trân trọng, giữ gìn, nối tiếp và phát huy truyền thống tốt đẹp của người thầy giáo Việt Nam; có lòng yêu nghề, đồng hành với tình thương yêu học trò, luôn khát vọng vươn tới cái mới, biết tạo ra sự khác biệt để tạo ra giá trị mới; luôn là tấm gương sáng trong việc rèn luyện nhân cách để học sinh noi theo, bởi xét cho cùng các thầy, cô giáo không chỉ dạy cho các em kiến thức mà còn dạy cho các em cách sống và cách làm người và cách để đi đến thành công sau này. Người thầy giáo không phải chỉ đem kiến thức đến cho học sinh mà chính là dẫn dắt học sinh đi tìm kiến thức, không chở học sinh đến đích một con đường mà hướng dẫn để học sinh tự tìm đến đích con đường các em đã chọn. Do vậy, có thể nói dạy học chính là dạy phương pháp tự học, đây là một cách dạy và học mới đáp ứng với yêu cầu xã hội hiện nay. Các em học sinh được đào tạo trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT sẽ hội đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của quê hương, đất nước. Từ đáy lòng mình, tôi xin được phép gửi niềm tin đó đối với quý thầy cô và ngành GD&ĐT tỉnh nhà.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.