Trên vùng đất anh hùng

(NTO) Đi trên con đường bê -tông bằng phẳng, bên những cánh đồng lúa xanh mướt tít tắp trĩu bông, rôm rả chuyện trò với những con người chân chất, bình dị…, Xóm Dừa yên ả, thanh bình quá! 39 năm từ khi quê hương được giải phóng, đời sống của nhân dân Xóm Dừa, nay là khu phố 7, phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đã đổi thay nhiều.

Vùng quê vang tiếng của một thời là căn cứ “lõm” cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hôm nay đang chuyển mình, căng đầy nhựa sống, tự tin trên con đường xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Phạm Thanh Quang, Chủ tịch UBND phường Đô Vinh cho biết: Khu phố 7 hiện có hơn 300 hộ dân, trên 1.100 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Khu phố 7 nằm trong vùng trũng, chủ yếu là loại đất thịt, ẩm nên khó có thể trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo… Chính vì vậy, cây trồng chủ lực vẫn là cây lúa, với tổng diện tích gần 40 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích canh tác, còn lại là các loại cây rau, màu. Khó khăn là thế, nhưng phát huy truyền thống anh hùng của vùng quê cách mạng, tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên, người dân vẫn bám ruộng bám đất sản xuất, đời sống ngày càng khấm khá.

Lão nông Lê Ngọc Thảo bên ruộng lúa của gia đình.

Để giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng, hằng năm, ngoài việc hướng dẫn, chỉ đạo gieo trồng đúng lịch thời vụ và thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, địa phương còn tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền cấp trên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân. Đưa chúng tôi dạo bên trà lúa trĩu bông, ông Nguyễn Văn Bé, Trưởng BQL khu phố 7 phấn khởi chia sẻ: Bây giờ, bà con mình làm nông nhàn lắm, không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước đây vì mọi khâu sản xuất đều được cơ giới hóa. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cộng với kinh nghiệm làm lúa lâu năm, bà con giờ rất am hiểu, áp dụng khoa học-kỹ vào sản xuất..., nhờ đó không những tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, mà hầu như vụ lúa nào bà con cũng được mùa, năng suất cao, trung bình trên 70 tạ/ha.

Kiên cường, bất khuất trong chiến tranh, thời bình, người dân Xóm Dừa vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Điển hình như “lão nông” Lê Ngọc Thảo có đam mê nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc những giống lúa mới, thơm, ngon từ vùng quê ngoài tỉnh. Nhiều giống lúa mới, chất lượng cao được ông đưa về trồng thử nghiệm thành công và được nhiều bà con ưa thích, nhân rộng, cho năng suất cao. Rồi cả đến câu chuyện, cách đây hơn 10 năm, trong một lần về thăm quê ở Quảng Ngãi, ông vô tình biết được cây móc dặm lúa của bà con nơi đây. Thấy lạ, hữu ích, ông đưa về giới thiệu với bạn bè, bà con hàng xóm sử dụng. Nhờ đó đến nay, cây móc dặm lúa đã được bà con nông dân các vùng quê sử dụng rộng rãi. Ông Thảo cho biết: Trước đây, mỗi lần dặm lúa, một sào ruộng chí ít cũng phải mất 4 công lao động làm từ sáng đến chiều mới xong. Nhờ có cây móc dặm, bây giờ 1 sào lúa chỉ cần 1 công lao động đứng làm trong 1 buổi, công việc cũng nhàn nhã hơn nhiều. Ông Thảo là một trong những tấm gương điển hình sản xuất giỏi. Gia đình ông luôn có năng suất lúa đạt cao, kinh tế nằm trong diện khá giả.

Bà con Xóm Dừa thu hoạch rau diếp cá.

Không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa, bà con còn đầu tư chăn nuôi, xen canh những loại cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế để cải thiện đời sống. Ngoài trồng lúa, phần lớn mỗi gia đình có trung bình 1-2 con bò, có hộ lên đến 10-20 con; mô hình trồng lúa xen rau diếp cá cũng mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Ông Phan Tân, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Cây diếp cá từ lúc xuống giống đến khi cho thu hoạch khoảng 2-3 tháng. Sau đó, cách 20 ngày cây lại phát triển và tiếp tục cho thu hoạch. Trung bình mỗi sào rau, bà con thu hoạch được khoảng 100 thiên/vụ, với giá 60 ngàn đồng/thiên như hiện nay, trừ hết chi phí sản xuất mỗi tháng bà con thu lãi từ 3-4 triệu đồng. Với các ưu điểm như chi phí đầu tư, công chăm sóc ít, đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao, mô hình trồng rau diếp cá được hầu hết bà con ở khu phố thực hiện, tăng diện tích trồng hiện lên đến khoảng 5 ha.

Không chỉ chăm chỉ làm ăn, cải thiện đời sống, bà con còn tích cực hưởng ứng nhiều phong trào do địa phương tổ chức, đặc biệt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ông Nguyễn Văn Bé, cho biết thêm: Mặc dù dựa vào nghề nông, nhưng do biết chí thú làm ăn, đoàn kết thi đua sản xuất, tích cóp, tiết kiệm nên nhà nào cũng khá lên. Đến nay, toàn khu phố chỉ còn 8 hộ nghèo. Trên 95% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; mỗi năm, trên 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa.

Thêm niềm vui nữa của bà con Xóm Dừa, vừa qua, tỉnh đã đầu tư bê-tông hóa 100% đường liên thôn. Ngoài ra, con đường Phan Đăng Lưu nối dài được đầu tư xây mới, đi qua khu phố không những giúp nhiều hộ dân có điều kiện phát triển các ngành nghề kinh doanh, cải thiện đời sống, mà còn góp phần tích cực xây dựng diện mạo nông thôn mới Xóm Dừa ngày càng khang trang, sạch đẹp.