Đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết

(NTO) Vào thời điểm cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao là nguy cơ dẫn đến gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng. Do đó, các đơn vị chức năng đã tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT nhằm hạn chế thấp nhất các vụ TNGT trong dịp Tết.

Nguy cơ gia tăng TNGT những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong năm 2018, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh được kìm chế, giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cùng với nhu cầu đi lại, lưu thông tăng cao, trên địa bàn tỉnh đã liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Riêng trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ, làm 7 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 9 triệu đồng. So với tháng trước, tăng 4 vụ, 4 người chết, 4 người bị thương. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 1 vụ làm 1 người bị thương. Va chạm giao thông xảy ra 4 vụ làm bị thương 6 người.

Công an Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ra quân thực hiện cao điểm tấn công
trấn áp tội phạm và đảm bảo ATGT trong dịp Tết.

Đáng kể nhất là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 25-12-2018 tại Km 1557+410m Quốc lộ 1A thuộc thôn Phước Khánh (Phước Thuận, Ninh Phước) đã làm 2 người chết, 2 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi) ở Ninh Hòa, Khánh Hoà điều khiển ôtô tải BKS 79C-060.13 chở theo 5 người trên xe đang lưu thông theo hướng Bắc-Nam, đến địa điểm trên thiếu chú ý quan sát đã đâm vào đuôi xe đầu kéo rơ-moóc BKS 77R-018.23 do anh Bùi Long Toàn (33 tuổi) trú tại Hoài Ân, Bình Định điều khiển, đang dừng sát mép đường bên phải ở phía trước cùng chiều.

Trước đó không lâu, trong 2 ngày 8 và 9-12 trên tuyến QL 27A đã liên tiếp xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng làm 3 người chết, 3 người bị thương. Trong đó có 2 vụ tại địa bàn thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) do người điều khiển mô tô không làm chủ tốc độ khi đi vào đoạn đường cong đã tự té, va vào xe ô tô đi ngược chiều và 1 vụ tại đường Phan Đăng Lưu (tuyến tránh QL27A) do người điều khiển mô tô vượt xe không đảm bảo an toàn.

Theo phân tích lực lượng chức năng, đa số các vụ TNGT xảy ra là do lỗi về ý thức của người tham gia giao thông, không tuân thủ các nguyên tắc về đảm bảo ATGT, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Trong khi đó, thời điểm cuối năm, lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tình trạng xe dù bến cóc, chở người vượt quá quy định, quá tải trọng, chạy quá tốc độ cho phép, uống rượu bia, nhất là thanh-thiếu niên chạy xe nẹt bô càn quấy trên đường là nguy cơ dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông, cần phải được kiểm soát, ngăn chặn, xử lý.

Tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT

Để đảm bảo ATGT trong dịp cao điểm Tết, Ban ATGT tỉnh đã có kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị chức năng, nhất là lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm. Trong tháng 12, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức 716 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1.577 trường hợp, với số tiền xử phạt hơn 838 triệu đồng, tạm giữ 492 phương tiện, tước giấy phép lái xe 49 trường hợp.

Theo Thượng tá Võ Mạnh Dũng, Phó phòng Phụ trách Phòng CSGT Công an tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh về thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát trên địa bàn nhất là tuyến QL1A và tăng cường lực lượng CSGT phối hợp với công an các địa phương nơi có tuyến QL 1A đi qua, tuần tra khép kín địa bàn; thông qua các biện pháp nghiệp vụ tập trung kiểm tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn người điểu khiển phương tiện, quản lý bến bãi tránh tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người, dừng đón, trả khách không đúng quy định; tổ chức lực lượng phòng chống đua xe trái phép, đảm bảo ANTT, cũng như trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Thượng tá Võ Mạnh Dũng cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn tỉnh qua phân tích chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông không chấp hành các quy định về ATGT. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng một số bộ phận người dân vẫn không tuân thủ nghiêm túc. Do đó, chúng tôi mong rằng, mỗi gia đình, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, cần tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu, nêu gương thực hiện; thường xuyên tổ chức quán triệt và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, thành viên trong các tổ chức, gia đình để góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông trong cộng đồng ngày càng tốt hơn.