Đến hẹn lại lên, khi gió chướng bắt đầu thổi mạnh thì các làng nghề bắt đầu khởi động sôi nổi hơn. Làng Chiếu An Thạnh chuẩn bị phơi lát. Làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp tăng tốc để đón thị trường.
Thời điểm này, dạo quanh các làng nghề sẽ cảm nhận được không khí xuân đến sớm…
Rộn rã làng chiều
Dệt chiếu từ cây lát là nghề thủ công truyền thống ở thôn An Thạnh - An Hải – Ninh Phước. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm nhưng người dân An Thạnh vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hằng năm các hộ ở đây sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm, để tiêu thụ nội tỉnh và một ít bán ra tỉnh ngoài.
Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, lão nghệ nhân Huỳnh Văn Trị vẫn điêu luyện trong từng động tác, say sưa với từng câu nói về nghề dệt chiếu truyền thống đã có đến hơn 150 năm nay tại địa phương này. Trong ánh mắt mờ đục của ông thỉnh thoảng ánh lên niềm vui và ẩn hiện nỗi niềm của nghề. Ông chia sẻ : “Nghề dệt chiếu ở đây hiện vẫn giữ theo lối truyền thống nên người già vẫn làm được. Tuy giá bán chiếu dệt không cao nhưng thu nhập tương đối ổn định”. Chiếu có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú, như: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc… và đa dạng về kích cỡ với giá dao động 110.000 – 130.000 đồng/1 chiếc.
Để có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, hàng trăm lao động ở làng nghề chiếu An Thạnh đã tất bật làm việc ngày đêm. Với người dân làng chiếu, Tết chính là mùa làm ăn. Ngày thường, mỗi nhà chỉ có 1-2 lao động tham gia dệt chiếu, Tết đến, người ta phải…“tổng động viên” cả nhà cùng tham gia.
Sôi động làng thổ cẩm
Cùng với làng chiếu An Thạnh, không khí ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Phước Dân) cũng sôi động không kém. Tết Nguyên đán cũng là dịp để đồng bào Chăm hòa mình cùng các dân tộc anh em đón chào xuân mới.. Tết Tân Mão 2011, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đón du khách bằng những gian hàng rực rỡ hoa mai và sản phẩm mới lạ.
Để giữ gìn được sắc màu độc đáo của thổ cẩm, con gái Chăm được bà, mẹ truyền nghề từ nhỏ. Nhưng để dệt được thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, mang đậm bản sắc truyền thống, có người ròng rã suốt mười năm mới làm được.
Đến Mỹ Nghiệp vào những ngày trước Tết Tân Mão, dễ dàng nhìn thấy nhiều phụ nữ Chăm quây quần bên khung dệt. Chị Thạch Thị Thoa bảo dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của gia đình. Những năm trước, thổ cẩm khó bán, nhưng nhờ tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ khôi phục làng nghề nên bà con đỡ vất vả hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hơn 90% gia đình ở Mỹ Nghiệp có thu nhập tương đối từ nghề. Sản phẩm của bà con từ vài năm nay đã góp mặt tại một số siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa... Du khách đến Mỹ Nghiệp vào những ngày này có thể mua một vài sản phẩm làm kỷ niệm. Và mỗi dịp xuân về làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp càng thêm rộn ràng.
Trời đất nở hoa, lòng người cũng thế. Hy vọng các làng nghề truyền thống ở Ninh Phước sẽ có thêm một mùa xuân ấm no...
Hàn Dạ Nguyệt