(NTO) Khèn bầu có thể độc tấu hoặc biểu diễn hòa chung “lời ăn tiếng nói” với mã la, tù và làm nên âm vang núi rừng đặc sắc quyến rũ lòng người.
Từ trung tâm xã Ma Nới, chúng tôi vượt qua năm con suối đến thôn Tà Nôi tìm gặp nghệ nhân Tà Yên Kinh. Theo lời giới thiệu của anh Chamaleá Âu, ông Kinh là nghệ nhân duy nhất hiện nay của huyện Ninh Sơn biết chế tác khèn bầu. Những chiếc khèn do ông Kinh chế tác “có hồn có vía” khi thổi lên làm quyến rũ lòng người.
Nghệ nhân Tà Yên Kinh biểu diễn khèn bầu tại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới
Trong căn nhà mái tôn vách ván nền lót gạch bông rộng rãi, nghệ nhân Tà Yên Kinh đang cần mẫn lắp đặt những chiếc ống trúc vào thân bầu. Ông tập trung hoàn thành khèn bầu mới để biểu diễn vào dịp thành lập câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai xã Ma Nới diễn ra vào cuối tháng ba năm nay. Tà Yên Kinh đã bước qua tuổi bảy mươi nhưng bước đi dáng đứng của ông hãy còn lanh lợi như nai, con sóc giữa rừng già. Thời trai trẻ, ông gia nhập bộ đội Cụ Hồ tham gia đánh Mỹ trên vùng chiến khu Anh Dũng. Đất nước thanh bình, ông phục viên về làng làm chăm lo rẫy nuôi con. Sống giữa nương rẫy mênh mông, ông da diết nhớ tiếng khèn bầu đồng vọng giữa rừng núi đại ngàn thời niên thiếu. Sau khi thu hoạch mùa màng năm 1977, ông theo nghệ nhân Cà Mau Đá Ai ở thôn Tà Nôi học chế tác và biểu diễn khèn bầu, tiếng Raglai gọi là Cà bốt Cà tó.
Nghệ nhân Tà Yên Kinh dày công tìm những trái bầu già tròn đều dài khoảng 35 cm phơi trong bóng râm mát cho thật khô. Ông dùng chiếc mác nhọn khoét thân bầu lắp hai hàng ống trúc đường kính 1 cm, dài 50- 80 cm, hàng trên kề miệng thổi lắp 4 ống, hàng dưới lắp 2 ống. Trong mỗi ống trúc được khoét lỗ nhỏ và lắp một lá đồng dài 2 cm định âm trầm bổng, cao thấp. Ông dùng sáp ong dú bịt kín phần khoét giữa thân bầu. Để hoàn thành một chiếc khèn bầu, Tà Yên Kinh phải mất mười ngày lao tâm khổ tứ lắp đặt, cân chỉnh âm thanh. Nghệ nhân biểu diễn khèn bầu có hồn có vía gắn kết tình cảm thân thiết của bà con thôn xóm vào những dịp mừng mùa lúa mới, lễ hội, cưới hỏi, bỏ mả, bạn bè đến nhà thăm chơi. Khèn bầu có thể độc tấu hoặc biểu diễn hòa chung “lời ăn tiếng nói” với mã la, tù và làm nên âm vang núi rừng đặc sắc quyến rũ lòng người.
Nghệ nhân Tà Yên Kinh đi qua bảy mười mùa rẫy hơi thổi không còn căng đầy như thời trai trẻ nhưng tiếng khèn bầu của ông ấm áp, dào dạt tình yêu thương. Hàng chục chiếc khèn bầu do ông chế tác được bà con chuyền tay nhau biểu diễn trên khắp các bản làng. Vào dịp đầu xuân 2011, nghệ nhân Chamaleá Âu đưa chiếc khèn bầu do Tà Yên Kinh chế tác từ Ma Nới ra Hà Nội biểu diễn được công chúng thủ đô nhiệt liệt tán thưởng. Điều trăn trở của nghệ nhân Tà Yên Kinh hiện nay là ông mong tìm được các cháu thanh niên đam mê nhạc cụ dân tộc để truyền nghề chế tác khèn bầu lưu giữ truyền thống văn hóa đồng bào Raglai địa phương.
Sơn Ngọc