Du lịch về Ninh Thuận

(NTO) Những ngày cuối tháng ba và đầu tháng tư năm nay, Ninh Thuận tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh gắn với 37 năm giải phóng quê hương. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân địa phương. Đến với Ninh Thuận vào những ngày diễn ra lễ kỷ niệm, du khách được hòa mình trong đời sống văn hóa cư dân bản địa trên vùng đất ven biển miền Trung ấm áp tình người.

Về Ninh Thuận vào dịp này, du khách được tham dự mít- tinh trọng thể chào mừng 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý do Chủ tịch Nước trao tặng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà qua 20 năm xây dựng và phát triển. Du khách được tham dự các hoạt động văn hóa đặc sắc như liên hoan âm nhạc toàn quốc; triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; hội chợ - triển lãm thành tựu kinh tế 20 năm; thưởng lãm chương trình thi đấu giao hữu bóng đá quốc tế. Đặc biệt, du khách được tham dự Hội thi tiếng hát tuổi 20 và Người đẹp tuổi 20 do thế hệ trai tài gái sắc của con em địa phương lớn lên cùng thời điểm tái lập tỉnh trình diễn.

Du khách đi tàu đáy kính du lịch vùng biển Vĩnh Hy sơn thủy hữu tình.

Tận hưởng không khí trong lành của các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển
Bình Sơn- Ninh Chữ.

Ngoài thời gian tham dự các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao nói trên, du khách dành thời gian thăm thú đất nước, con người Ninh Thuận. Trong lịch sử hành trình phương Nam mở đất thì vùng biển Ninh Thuận là nơi cư dân Việt xưa đến đây dừng chân dựng nhà lập ấp đầu tiên. Những tên xóm tên làng, những mái nhà ba gian hai chái, lễ hội cầu ngư, hát múa bá trạo, hát bội, hát giao duyên, dựng vợ gã chồng, ẩm thực theo phong tục vùng ven biển miền Trung được lưu dân “dịch chuyển” vào Ninh Thuận. Những nét văn hoá đặc sắc là một phần máu thịt của người xưa được lưu truyền cho con cháu ngày nay.

Thưởng lãm múa siêu giàu tinh thần thượng võ của cư dân miền biển
xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.

Nghe hò Bá trạo tại sân đình của ngư dân phường Mỹ Đông, TP. Phan Rang- Tháp Chàm.

Về các xóm làng ven biển Ninh Thuận, du khách được sống trong không gian văn hoá đậm đặc sắc màu lễ hội dân gian. Đồng thời được thưởng thức những món ăn riêng nổi tiếng của cư dân bản địa. Một lát cá thu hấp cuốn bánh tráng của làng biển Vĩnh Hy; một tô bánh canh cá rắc hành phi của vùng biển Bình Sơn- Ninh Chữ; một tô bún mắm nêm cá cơm của xứ biển Cà Ná; những hàng bánh xèo, bánh căn thơm lừng, lò lửa đỏ rực than hồng dọc đường Yên Ninh. Và du khách có thể nhâm nhi cốc rượu vang sóng sánh toả hương nồng ấm từ xứ xở được mệnh danh là “vương quốc” nho của Việt Nam.

Du lịch khám phá rừng nguyên sinh Phước Bình, huyện Bác Ái
 
 
Thác Chapơ địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái.
 
 
Nghe nghệ nhân Chamaleá Âu ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) biểu diễn đàn chapi.

Về vùng cao Bác Ái, du khách được sống giữa sắc màu xanh mướt huyền diệu của rừng nguyên sinh đa dạng Phước Bình. Thăm bản làng đồng bào Raglai hoà nhập những phong tục mang tính dân tộc đặc sắc như lễ đền ơn cha mẹ, lễ ăn đầu lúa, lễ bỏ mả, thưởng thức hương vị ngọt ngào mà chếch choáng men say của rượu cần. Đi qua đèo Gia Trúc, du khách dừng chân ngưỡng mộ di tích bẫy đá Pinăng Tắc. Người anh hùng mưu trí dựng bẫy đá đánh thắng giặc đã trở thành huyền thoại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đá núi cây rừng Bác Ái mãi mãi ghi tạc ơn anh, người con ưu tú tiêu biểu của đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận. Được khám phá thác bạc Chapơ huyền ảo với truyền thuyết về lòng hiếu thảo, thủy chung của người dân bản địa. Đặc biệt là lắng nghe tiếng đàn chapi độc đáo của đồng bào Raglai ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn khởi nguồn cảm hứng cho người nhạc sĩ tài hoa Trần Tiến viết nên ca khúc để đời, ca khúc Giấc mơ Chapi:” Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…

Tháp Pokong Garai thuộc địa bàn phường Đô Vinh, TP. Phan Rang- Tháp Chàm,
thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan
 
 
Du khách mua quà lưu niệm tại làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước
 
 
 Du khách mua sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu Trúc làm quà lưu niệm

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận có khoảng 70 ngàn người sinh sống tập trung tại 22 làng. Trong đó có hai làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm là Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc. Cư dân làng Mỹ Nghiệp có nghề dệt thổ cẩm lung linh sắc màu và làng Bàu Trúc chế tác gốm mỹ nghệ độc đáo. Sản phẩm của hai làng nghề này được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng mua làm qùa lưu niệm.

Ninh Thuận có dân số trên 600 ngàn người gồm nhiều dân tộc anh em gắn kết sinh sống lâu đời. Về Ninh Thuận vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, du khách được khám phá toàn cảnh bức tranh thiên nhiên và lịch sử, văn hoá độc đáo riêng có của cư dân địa phương. Bản sắc văn hoá các dân tộc giao thoa hoà quyện cùng thiên nhiên tạo nên nét duyên dáng của vùng đất ven biển cát trắng nắng vàng Ninh Thuận ấm áp yêu thương.