Người “giữ lửa” nhạc cụ Raglai

Tại lễ tổng kết lớp dạy học sinh biểu diễn mã la của Trường DTNT Pinăng Tắc diễn ra vào cuối tháng 11- 2011, chúng tôi có dịp gặp lại nghệ nhân Pinăng Thị Tâm. Chị là một trong những nghệ nhân đa tài “giữ lửa” nhạc cụ Raglai ở huyện vùng cao Bác Ái.

(NTO) Pinăng Thị Tâm biểu diễn thành thục ba nhạc loại nhạc cụ truyền thống phổ biến của đồng bào dân tộc Raglai là mã la, khèn bầu, đàn chapi. Chị và các nghệ nhân dòng họ Pinăng ở xã Phước Thắng đã trở thành những tên tuổi thân thuộc trong đời sống văn hoá cộng đồng dân cư địa phương.

Nghệ nhân Pinăng Thị Tâm (bìa trái) người "giữ lửa" nhạc cụ Raglai.

Từ năm lên mười tuổi, Pinăng Thị Tâm lân la theo các nghệ nhân nghe biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các lễ hội cúng mừng mùa lúa, cúng ông bà tổ tiên, ma chay, cưới hỏi. Chị tập thổi khèn bầu rồi tập đánh mã la, đánh đàn chapi. Nhờ sáng dạ nên chị nằm lòng những làn điệu dân gian các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Raglai. Gia đình nghệ nhân Pinăng Thị Tâm có tám chị em gái nhưng đã có tới sáu người đam mê nhạc cụ dân tộc Raglai. Sáu chị em hợp thành đội mã la dòng họ Pinăng ở thôn Ma Oai. Mã la là nhạc cụ “hồn vía” trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai. Mã la được sử dụng trong các hoạt động lễ nghi quan trọng như bỏ mã, ăn đầu lúa mới, thờ cúng tổ tiên, cầu mưa, đám cưới...

Cách đây vài năm, trong buổi chiều xuân núi rừng Bác Ái, chúng tôi có dịp được thưởng ngoạn tiếng đàn chapi do nghệ nhân Pinăng Thị Tâm biểu diễn. Âm thanh chapi bật ra từ dòng chảy máu thịt của nghệ nhân hoà quyện cùng thiên nhiên tạo thành bản hoà âm núi rừng làm lưu luyến lòng người. Có lẽ do khởi nguồn từ cảm xúc dâng tràn này đã giúp cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác thành công nhạc phẩm Giấc mơ chapi nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Đàn chapi là nhạc cụ độc đáo riêng có của tộc người Raglai tỉnh Ninh Thuận. Thân đàn được làm từ ống tre già dài khoảng 40 cm, đường kính khoảng 7-8 cm, đục thủng hai đầu. Dây đàn chapi cũng chính là cật tre được nghệ nhân khéo léo tách ra 8 dây từ thân đàn. Nghệ nhân Pinăng Thị Tâm đánh đàn âm thanh ngân vang tựa hồ tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim rừng vui hót. Tuổi thơ Pinăng Thị Tâm bị “mê hoặc” bởi âm thanh mã la, chapi, khèn bầu đã đưa chị trở thành nghệ nhân nổi tiếng được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và bà con bản làng mến mộ.

“Hơn hai chục năm đeo đuổi đam mê học tập sử dụng thành thục nhạc cụ mã la, khèn bầu, chapi là mình vui mừng lắm. Làng xóm có việc cúng kính, bà con tới mời là chị em mình sắp xếp việc nhà lo đi phục vụ. Xong công việc, chị em chỉ uống bát rượu cần lấy thảo với chủ nhà. Đây là nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai do ông bà xưa để lại nên mình cố gắng gìn giữ truyền dạy lại cho con cháu”, nghệ nhân Pinăng Thị Tâm bộc bạch niềm vui.