Tô bánh canh cá thu có đặc điểm có mấy lát thịt cá thu trắng tinh, mấy lát chả cá thu tươi vò viên và mấy miếng cá thu chiên vàng. Điểm xuyết mặt tô là màu xanh của những cọng ngò gai xắt nhuyễn. Khách hàng nên dằm một ít ớt hiểm rừng vào chén nước mắm cốt, chan một ít vào tô bánh, trộn đều. Khi ăn sẽ có cảm giác sợi bánh dai dai, mềm giòn, và ngọt. Sợi bánh canh ở đảo được làm khá công phu. Đầu tiên, người ta lấy khoai mì làm thành bột. Nhồi bột này với nước nóng trong một cân lượng theo yêu cầu rồi cán thành miếng dẹp, xắt thành sợi. Sau đó cho sợi bánh vào nồi nước sôi, dùng đũa to đảo vài lần là được. Bánh canh cá thu có vị ngọt của cá thu tươi, cá thu chiên không chê vào đâu được. Anh Phát giải thích: "Ngon từ thịt cá thu tươi. Còn ngọt không phải từ xương heo mà là xương và đầu cá thu. Chính vì vậy nó mới có mùi đặc trưng của cá. Đặc biệt, bánh canh cá thu rất ít mỡ nên không làm người ta ngán".
Chả cá là nguyên liệu chính của món bánh canh cá thu. Cá sau khi đã lóc hết thịt, lấy xương, xương ninh lấy nước. Bà bán hàng múc tô bánh canh, cho vào một nhúm chả cá chiên đã xắt thành từng miếng nhỏ, một ít hành lá, một ít hành củ, rưới thêm tí tiêu, bỏ thêm ít hành phi... Nặn vào tô miếng chanh, cho thêm chút mắm ớt, tỏi là khách hài lòng với món ăn dân dã mà đầy hương vị biển khơi này.
Cảnh chờ đợi tại quán bánh canh Bà Phụng.
Chả cá thu chiên.
Cá thu hấp là nguyên liệu chính của bánh canh.
Du khách đến thưởng thức món bánh canh trên đảo.
Gia đình bà Phụng luôn tất bật vào mỗi buổi sáng vì khách rất đông.
Tô bánh canh ở đảo có màu sắc đẹp mắt và hương vị riêng.
Hữu Thành - Minh Quốc