• Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh
  • (NTO) Cứ hai năm, vào tuần trăng tháng bảy Âm lịch, (Từ ngày 15 đến ngày 17/8), thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) lại tưng bừng các sắc màu, âm thanh truyền thống của cộng đồng người Việt gốc Hoa trong lễ hội Nghinh Ông - lễ hội chỉ có ở Phan Thiết với tục rước Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công, nhân vật biểu tượng Vũ – Dũng – Nhân – Trung hóa Thánh trong lịch sử Trung Quốc). Một sinh hoạt tín ngưỡng lớn hình thành nên lễ hội cầu nguyện đất trời mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

    Lễ hội Nghinh Ông diễn ra trong ba ngày. Đứng chủ trì lễ là các nhà sư Hoa và Việt, trình tự nghi lễ, cách thức phối hợp liên thông giữa các hội quán, chùa, miếu trong thời gian lễ hội mang dấu ấn riêng của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại Phan Thiết. Nổi bật nhất là lễ hội đường phố “Nghinh Ông xuất du” – các tầng lớp già trẻ nam nữ, theo tập tục truyền thống, tụ họp đông đảo nghinh kiệu Ông thỉnh từ Quan Thánh Đế Miếu, nơi thờ Quan Công xây dựng từ năm 1778. Đoàn rước cả ngàn người đi dọc sông Cà Ty, vòng quanh thành phố với các lớp cờ hoa, đèn lồng sặc sỡ, lân rồng ngũ sắc uốn lượn, âm thanh rộn ràng.

    Đến với lễ hội còn có nhiều đội ca múa nhạc, khánh tiết Phước Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, các môn phái võ thuật và nhiều đội Lân - Sư - Rồng từ các tỉnh, thành khác. Hấp dẫn nhất là cuộc thi múa Lân - Sư trên giàn Mai Hoa Thung, màn trình diễn múa Rồng Thanh Long dài 49 m, do 150 người (một kỷ lục Đông Nam Á) điều khiển rất nhịp nhàng, đẹp mắt; trình diễn các vở tuồng nổi tiếng “Thanh Xà - Bạch Xà”, “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”. Tất cả cư dân, khách du lịch đều có thể hòa vào các hoạt động lễ và hội tham dự các liên hoan sân khấu cổ nhạc, trình diễn trang phục truyền thống, thi nấu ăn và thưởng thức các món ăn Hoa, Việt, vui chơi, họp chợ..

    Lễ hội Nghinh Ông còn tồn tại nguyên gốc các hình thức, nội dung phần Lễ và ngày càng mở rộng và phát triển phần Hội. Đây là một trong 5 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn Bình Thuận, có nhiều sức hấp dẫn và thực sự trở thành một lễ hội mở sống động.

     
    Chùa Ông- là nơi thờ cúng Quan Thánh Đế Quân.
     
     
    Cúng Xô Cộ ở chùa Ông.
     
     
    Hội quán Hải Nam mừng Lễ hội.
     
     
    Lễ hội ẩm thực người Hoa.
     
     
     
     
     
    Lễ phóng Na (Cúng thuyền giấy mô hình ngoài biển khơi).
     
     
    Múa trống khai mạc lễ hội.
     
     
     
     
     
     
    Những điệu múa Lân sư rồng truyền thống.
     
     
     
     
    Niền vui của các em người Việt gốc Hoa trong lễ hội.
     
     
     
    Phần quan trọng nhất của lễ hội là“Nghinh Ông xuất du” .
     
     
    Rồng Thanh Long dài 49m, do 150 người điều khiển (một kỷ lục Đông Nam Á).
     
     
    Tiếng Kèn khai Lễ.
     
     
     
     
    Trên các đường phố trung tâm Tp. Phan Thiết có đông đảo người dân đón xem lễ hội