Bà con phấn khởi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm ngày hội lớn ở khu dân cư. Ban Công tác Mặt trận vận động đồng bào dân tộc Chăm đoàn kết tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Đường bê tông đang được thi công tại làng Chăm Bỉnh Nghĩa.
Đến với làng Chăm Bỉnh Nghĩa vào những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi nhận thấy khung cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây hết sức nhộn nhịp. Sau Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con nông dân ra đồng chăm sóc lúa vụ mùa 2017 thời kỳ làm đòng mơn mởn lên xanh. Lớp học nghề chăn nuôi vỗ béo bò, dê, cừu có 35 học viên tập trung trước sân nhà anh Dương Minh Tâm sôi nổi trao đổi về kỹ thuật ủ rơm, nâng cao chất lượng nguồn thức ăn cho gia súc. Ban Quản lý thôn và những người cao tuổi tham gia giám sát thi công đường bê tông nội thôn. Anh Sầm Văn Tim, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa đưa chúng tôi đến tuyến đường nội thôn đang được “cứng hóa” dài 870 m. Anh Sầm Văn Tim cho biết: Công trình trị giá 400 triệu đồng do nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện Thuận Bắc hỗ trợ, nhân dân đóng góp 20% kinh phí bằng ngày công lao động. Bà con sẵn sàng di dời hàng rào, nhường đất thổ cư cho đơn vị thi công toàn tuyến bảo đảm mặt đường rộng 3,5 m. Tính đến nay, Bỉnh Nghĩa đã bê tông khoảng 3.000 m đường, đạt gần 70% các tuyến đường nội thôn. Địa phương triển khai đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận phát động lan tỏa sâu rộng trong đời sống khu dân cư được nhân dân đồng thuận cao. Chỉ tay về hướng cánh đồng Bàu Trâu, anh Tim cho biết: Trong vài ngày tới, địa phương tiếp tục thi công tuyến đường giao thông nội đồng này dài gần 1.000 m, với nguồn vốn 1,6 tỷ đồng do Chương trình 135 của Trung ương đầu tư. Tuyến đường Bàu Trâu hoàn thành vào cuối năm 2017, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của bà con nông dân.
Trao đổi với Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa, chúng tôi được biết toàn thôn hiện có 749 hộ, với trên 3.700 nhân khẩu là đồng bào Chăm. Đời sống của người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập 262 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và Sông Trâu. Bà con áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” canh tác lúa đạt năng suất bình quân 65-70 tạ/ha/vụ. Nông dân địa phương chăn nuôi 2.600 con bò và 1.600 con cừu theo mô hình bán thâm canh. Các nông hộ trồng cỏ kết hợp dự trữ rơm áp dụng phương pháp ủ lên men vi sinh vỗ béo đàn gia súc. Bà con trong thôn đoàn kết giúp nhau làm ăn vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con cháu học hành thành đạt, tích cực xây dựng đời sống khu dân cư ngày càng khởi sắc. Nhờ chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp thâm canh lúa đạt năng suất cao đã giúp cho nhiều nông hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các đoàn thể thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn còn xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, với nguồn vốn xoay vòng 30 triệu đồng giúp hội viên giải quyết khó khăn. Tộc họ tự quản về an ninh trật tự vận động con cháu không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội. Tộc họ khuyến học, khuyến tài đóng góp nguồn quỹ trên 100 triệu đồng khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia trồng cây, gìn giữ vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp. Toàn thôn có trên 90% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; khu dân cư Bỉnh Nghĩa đạt danh hiệu Thôn văn hóa 3 năm liền, từ 2014-2016.
Trong thời gian tới, Ban Công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa tiếp tục triển khai đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát huy vai trò các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng khu dân cư vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển, tích cực góp phần xây dựng xã Bắc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.
Sơn Ngọc