VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Xây dựng nông thôn mới làm giàu!

(NTO) Đây là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội.

Có thể nói, giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 và đặc biệt 9 tháng qua, trong cả nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn quốc đã có 2.045 xã, 24 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 13,1 tiêu chí NTM. Từ kết quả này, điều dễ dàng nhận rõ là bộ mặt nông thôn nói chung đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được nâng lên...Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó cũng còn không ít hạn chế cần tập trung khắc phục thời gian tới mà Thủ tướng đã chỉ ra như một số nơi chưa quan tâm đến tổ chức sản xuất của nông dân hoặc chạy theo thành tích, còn để nợ đọng xây dựng cơ bản hay huy động người dân đóng góp quá sức. Thủ tướng lưu ý, đặt vấn đề xã hội hóa nguồn lực là đúng nhưng tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp quá sức, nhất là đối với người nghèo. Thủ tướng cũng cho rằng, đời sống một bộ phận nông dân còn chưa tốt. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở nông thôn còn nhiều bất cập. Một số nơi sau khi được công nhận thì phong trào xây dựng NTM chững lại, cầm chừng. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến xây dựng NTM, chưa đặt người dân đúng “vị trí” chủ thể. Thêm vào đó nguồn lực cho xây dựng NTM còn gặp khó khăn...Những hạn chế đó vô hình trung đã trở thành lực cản của tiến trình xây dựng NTM, làm chậm sự phát triển về sản xuất, đời sống của một bộ phận nông dân.

Một góc xã Phước Nam (Thuận Nam) đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Ảnh: Sơn Ngọc

Đối với tỉnh ta, mặc dù có xuất phát điểm trong xây dựng NTM khá thấp, tuy nhiên điểm sáng của phong trào là mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách của tỉnh hạn hẹp, nhưng trong 5 năm (2011-2015), tỉnh đã huy động được trên 5.584 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Đặc biệt, nhân dân và các doanh nghiệp đã đóng góp trên 193 tỷ đồng đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng. Từ những nguồn lực, đóng góp nêu trên, đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 11 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã cơ bản đạt chuẩn (từ 15-18 tiêu chí)…bình quân đạt  12,04 tiêu chí/xã (tăng bình quân 8,44 tiêu chí/xã so với năm 2011). Riêng năm 2016 này tỉnh ta phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và có từ 1-2 huyện đạt chuẩn NTM. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng các tiêu chí của những xã đạt chuẩn NTM theo hướng xây dựng nông thôn tiên tiến, phát triển bền vững…Có thể nói đây cũng là yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ: “NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Phải là nông thôn của một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần doanh nghiệp”… Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện đạt hiệu quả yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, quan trọng hàng đầu là phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Mọi ngành, mọi cấp đều phải có chương trình hành động phục vụ xây dựng NTM, qua đó tạo sự lan tỏa trong người dân nông thôn, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện.