Ninh Phước: Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020

(NTO) Ninh Phước là huyện thuần nông, với hơn 23.500ha đất canh tác nông nghiệp chủ động nguồn nước quanh năm, trong đó diện tích lúa (gần 15.200ha) đứng đầu toàn tỉnh cùng nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nên Ninh Phước có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững và được xác định là một trong những ngành có lợi thế cạnh tranh cao nếu chuyển dịch đúng hướng trong giai đoạn tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện
Bí thư Huyện ủy Ninh Phước

Từ đặc điểm đó, Huyện ủy Ninh Phước xác định phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, nông thôn là địa bàn quan trọng cho sự phát triển bền vững. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Ninh Phước đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 20-11-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2020. UBND huyện triển khai cụ thể bằng Kế hoạch số 33/ KH-UBND ngày 17-4-2012, về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020; xây dựng Kế hoạch và tổ chức Lễ phát động thi đua “Toàn dân chung tay xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn toàn huyện; đồng thời gắn với Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm chính trị, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ninh Phước đã đạt được kết quả quan trọng và đang tạo ra phong trào hưởng ứng sôi nổi của Nhân dân hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.

 
Nông dân xã Phước Hậu thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Miên

Kinh tế nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và huy động từ Nhân dân đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu vùng nông thôn, đến nay, các xã đã hoàn thành các loại quy hoạch, đề án, đồ án xây dựng NTM; có 100% đường giao thông trục xã, trên 65% đường trục thôn, 56% đường nội đồng, 41% kênh thủy lợi cấp ba đã được nâng cấp, cứng hóa, kiên cố hóa; hệ thống chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, thể dục-thể thao, nhà ở, môi trường được quan tâm đầu tư. 99% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có đội thu gom xử lý rác thải, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt 100%. Đến cuối năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn cũ giảm còn 4,74%. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển mạnh mẽ, góp phần làm cho diện mạo nông thôn từng bước đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Phước Thái, Phước Sơn, Phước Thuận), 5 xã còn lại đạt từ 7-14 tiêu chí. Trung bình toàn huyện đạt 14,7 tiêu chí.

Trong quá trình thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều phong trào, mô hình tiên tiến trên các lĩnh vực như: Trong nông nghiệp, nhân rộng các mô hình có hiệu quả như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 4.381ha, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống xác nhận, bắp giống, nha đam, ớt, heo, gà; mô hình kết hợp trồng táo-nuôi vỗ béo dê, cừu; mô hình trồng rau an toàn kết hợp tưới nước tiết kiệm; mô hình nuôi heo, gà tập trung theo hướng công nghiệp; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ; phòng trào “Tuổi trẻ Ninh Phước chung tay xây dựng NTM”, “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên; phong trào 3 giảm: giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông, mô hình “Tổ an ninh xung kích” của ngành Công an; mô hình “Dòng họ khuyến học”, phong trào Nhân dân góp sức, trí tuệ, hiến đất cùng xây dựng NTM tại các xã,… qua đó đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong địa bàn dân cư.

 
 Nhiều tuyến kênh mương ở huyện Ninh Phước được xây dựng, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mai Dũng

Phát huy những kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm về những thành tựu, cũng như những khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, với quyết tâm xây dựng Ninh Phước trở thành huyện NTM vào năm 2020 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, Huyện ủy Ninh Phước xác định một số nhiệm vu, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Một là, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI về xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2015-2020 và các nghị quyết chuyên đề để khắc phục và phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng NTM. Cụ thể bằng các kế hoạch, chương trình hành động của UBND huyện và các cấp, các ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM bằng nhiều phương thức, hình thức phù hợp; nội dung tuyên truyền phải hướng về xã trên cơ sở các kết quả, mô hình hiệu quả đã đạt được để người dân hiểu rõ nội dung, mục đích của chương trình, nhất là vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, các loại quy hoạch NTM các xã để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức cắm mốc địa giới, công bố, quản lý và khai thác có hiệu quả các loại quy hoạch, đồ án đã được phê duyệt

 
Xã Phước Thái huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới tạo sự khởi sắc, nâng cao đời sống nông dân. Ảnh: S.N

Bốn là, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả của Ban Chỉ đạo các cấp.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM của các cấp, các ngành.

Sáu là, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình kinh tế tập thể, trang trại trên địa bàn. Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bảy là, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Tám là, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; có giải pháp đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.