Hệ thống thủy lợi, đường giao thông được kiên cố hóa góp phần xây dựng xã Xuân Hải (Ninh Hải)
đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Ảnh: Văn Miên.
Qua 5 năm triển khai đến nay, toàn tỉnh có 11/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí quốc gia (gồm 19 tiêu chí), hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020. Tổng số tiêu chí toàn tỉnh đạt tại thời điểm tháng 12-2015 là 566 tiêu chí, bình quân 12,04 tiêu chí/xã, tăng 393 tiêu chí so với đầu năm 2011 (trước khi triển khai phong trào thì tổng số tiêu chí 173, bình quân 3,68 tiêu chí/xã) và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đến cuối năm 2015 ước đạt 22,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với đầu năm 2011. Huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM được hơn 5.584 tỷ đồng. Trong đó từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả các chương trình, dự án khác) 1.323,48 tỷ đồng (23,7%), nguồn tín dụng gần 4.032 tỷ đồng (72,2%), doanh nghiệp 112,49 tỷ đồng (2%) và huy động trong dân, nguồn khác là 116,38 tỷ đồng (2,1%). Đặc biệt nguồn lực đóng góp trong Nhân dân giai đoạn 2011-2015 là 81.121 triệu đồng, minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Trong tình hình ngân sách tỉnh hạn hẹp, hạn hán nghiêm trọng trong các năm 2014, 2015 và kéo dài sang năm 2016 thì việc huy động các nguồn lực, nhất là từ nông dân cho xây dựng NTM có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đó là mô hình “1 phải, 5 giảm”, giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm công chăm sóc. Kết quả không chỉ giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, giảm lượng nước tưới... mà còn cho năng suất lúa vượt trên 30%, thu nhập tăng thêm 5,5 triệu đồng/ha so với tập quán sản xuất cũ, mô hình đã được nhân rộng hơn 5.800ha. Mô hình trồng nho sản xuất theo hướng VietGAP, ứng dụng kỹ thuật ghép giống cho hiệu quả, với nho đỏ (Red Cardinal) cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm, giống nho xanh NH 01-48 cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất rau an toàn, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 16,6% đến 40%; lợi nhuận cao hơn canh tác theo tập quán cũ từ 1,5-3 triệu đồng/ha. Sản phẩm rau an toàn đang được tiêu thụ tại siêu thị Co.opMart và các cửa hàng rau trong và ngoài tỉnh. Mô hình tưới nước tiết kiệm giúp giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, đặc biệt giảm 40% lượng nước tưới, giảm 50% công theo nước, làm cỏ, đồng thời giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 25-40%... Điểm sáng của phong trào thi đua là đã huy động được sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân tại các xã xây dựng NTM. Người dân được tham gia bàn bạc, góp ý kiến về công tác quy hoạch, việc làm đường giao thông liên thôn, làm trường học, xây chợ... Theo đó, người có đất hiến đất, người có tiền ủng hộ tiền, người góp công sức, người có uy tín vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân góp tiền, vật liệu... để cùng nhau xây dựng hạ tầng nông thôn. Qua đó có thể nhận thấy nét đặc trưng của phong trào thi đua xây dựng NTM là phong trào của người dân mà nông dân là chủ thể.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nho xanh NH01-48 cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm.
Ảnh: Sơn Ngọc
Kết quả phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015 đã minh chứng về chủ trương của Đảng và Nhà nước, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và Nhân dân đồng tình ủng hộ tích cực thì dù có nhiều khó khăn, thách thức cũng nhất định thành công. Đó vừa là bài học, vừa là tiền đề để toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Bảo Ngọc