Qua ra soát, đối chiếu theo 19 bộ tiêu chí NTM thì xã đã đạt được 3 tiêu chí: điện, bưu điện, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Từ nay đến năm 2015, phấn đấu đạt thêm 6 tiêu chí và đến năm 2020 hoàn thành nốt những tiêu chí còn lại. Đồng chí Thiên Sanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Lộ trình xây dựng NTM là vậy, nhưng cụ thể ưu tiên thực hiện tiêu chí nào trước thì xã để cho dân bàn bạc. Chúng tôi đã tổ chức họp dân ở 4 thôn, bà con thống nhất trước mắt bê-tông các tuyến đường nội thôn, kênh mương cấp ba và triển khai thực hiện những mô hình sản xuất mới.”
Nông dân xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam chăm sóc cây bắp vụ đông- xuân.
Ảnh: Văn Thanh
Về giao thông nông thôn, toàn xã mới bê-tông được 1.000m ở thôn Vụ Bổn, các thôn còn lại vẫn còn đường đất. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2013, tiếp tục bê-tông thêm các tuyến đường ở thôn Hiếu Thiện và Thiện Đức, tổng chiều dài khoảng 2.000m, bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mặc dù 100% hộ dân ở 2 thôn nhất trí cao, sẵn sàng hiến đất, góp ngày công làm đường, nhưng địa phương đang lo khó khăn về kinh phí. Đồng chí Thiên Sanh Phong, băn khoăn: “Năm 2007 khi bê-tông đường ở thôn Hiếu Thiện bà con đồng tình cao, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa đóng tiền, hiện còn khoảng bốn trăm triệu đồng vẫn chưa thu được. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi đề nghị bà con ký cam kết, nếu hộ nào khó khăn thì quy ra lúa, trả dần theo từng vụ”.
Song song đó, xã cũng tiến hành bê-tông tuyến kênh CV 4.1, CV 4.2 và CV 6 có tổng chiều dài gần 1.300m. Theo tính toán, tổng kinh phí xây dựng các tuyến kênh trên là 3,5 tỷ đồng. Ngoài 50% vốn ngân sách nhà nước, số còn lại người dân phải đóng góp. Đồng chí Thiên Sanh Phong tỏ rõ quan điểm: Chúng tôi biết thi công xong rồi mới thu tiền của dân sẽ gặp khó do một số hộ ý thức kém. Tuy nhiên, nếu đợi thu đủ thì không biết đến lúc nào mới kiên cố kênh mương nội đồng được. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền đang hạ quyết tâm cao, chúng tôi tin làm cái gì có lợi cho dân thì bà con sẽ đồng tình ủng hộ. Đến nay, mọi thủ tục kiên cố kênh mương đã hoàn tất, sẽ khởi công trong nay mai.
Phát huy hiệu quả tưới hệ thống thủy lợi Tân Giang, nông dân xã Phước Ninh chuyển dịch
trồng các loài cây đạt hiệu quả kinh tế cao góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với phát triển sản xuất, thuận lợi của Phước Ninh là có diện tích đất tự nhiên khá rộng, trên 2.689 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.988 ha. Chủ trương chung của địa phương là bên cạnh tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa để tăng năng suất, giảm chi phí, thì đẩy mạnh vận động bà con hợp tác cùng sản xuất để dần hình thành những “cánh đồng mẫu lớn”. Hiện ở địa phương đã có một số hộ sản xuất lúa quy mô từ 5 đến 10 ha như hộ anh Lưu Tích Thủy ở thôn Vụ Bổn. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho, táo và các loại cây màu ở vùng đất hai bên bờ sông Lu thuộc thôn Thiện Đức. Hiện tại diện tích nho ở xã là 10 ha, táo 26 ha, nhưng theo Đồ án quy hoạch NTM, thì diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên còn được mở rộng vào thời gian tới.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, định hướng phát triển của địa phương là tăng số lượng đi đôi với chất lượng. Hiện tổng đàn bò toàn xã là 1.500 con; dê, cừu 2.000 con. Để tăng đàn trong điều kiện đồng cỏ ngày càng thu hẹp, cách làm của xã là nhân rộng các trang trại vừa và nhỏ, số lượng từ 100 đến 200 con đối với dê, cừu và 30 đến 50 con đối với bò. Gần đây, không ít hộ ở địa phương giàu lên nhờ vào chăn nuôi như anh Trần Anh Dũng ở thôn Tân Bổn.
Với những kết quả đạt được bước đầu và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tin tưởng rằng xã Phước Ninh sẽ phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 10,5%; thu nhập đầu người đến năm 2015 đạt 14,4 triệu đồng và tăng lên gấp 1,4 lần vào năm 2020 theo lộ trình xây dựng NTM đã đề ra.
Tuấn Anh