Hàng năm vào các vụ khai thác hải sản có hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập trung đến đây đánh bắt như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận…với những ngành nghề đánh bắt gồm pha xúc, lưới vây, lưới kéo, mành, câu…Cùng với việc xây dựng và đi vào hoạt động Cảng cá Cà Ná, nơi đây trở thành trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực. Tuy vậy, hiện tượng tranh giành ngư trường trên biển, sử dụng các loại phương tiện đánh bắt huỷ hoại môi trường biển làm ảnh hưởng đến sản lượng, hiệu quả khai thác hải sản của như dân là vấn đề đặt ra cho địa phương trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Ngư dân xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) đầu tư đóng mới tàu thuyền vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản.
Ảnh: Huy Thiện
Những năm gần đây ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt các loài hải sản, đánh bắt xa bờ ngư dân phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro cao về người và tài sản bởi tình hình thời tiết diễn biến thất thường, thiếu thông tin dự báo, giá cả không ổn định, hoạt động dài ngày hiệu quả thấp… Từ thực tế đó, bà con ngư dân Cà Ná đã hình thành nên Tổ đánh bắt xa bờ gồm cha mẹ, anh em trong gia đình, dòng tộc, bà con thân thích… người có tàu thuyền, người góp công sức theo hình thức tự nguyện. Hoạt động Tổ đánh bắt hải sản xa bờ ban đầu chỉ với mục đích liên kết nhau, cùng nhau tìm kiếm nguồn cá, tổ chức bám biển đánh bắt, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Kết quả là giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, cho hiệu quả hơn hẳn việc đánh bắt riêng lẻ.
Từ nhu cầu và hiệu quả hoạt động của Tổ đánh bắt hải sản xa bờ, tháng 8/2012, UBND xã Cà Ná đã có quyết định thành lập Tổ đánh bắt hải sản xa bờ và ban hành quy chế hoạt động. Từ ban đầu chỉ có một vài tổ đến nay toàn xã có 7 tổ đánh bắt hải sản xa bờ, với 35 tàu thuyền, đồng thời thành lập lực lượng dân quân biển với 25 đội viên biên chế trong các tổ. Sau khi tổ chức lại, Tổ đánh bắt hải sản xa bờ có thêm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có sự cố và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Điển hình như vụ tàu Bình Định sử dụng lưới mùng khai thác gần bờ, tàu Bình Thuận dùng lưới giã cào khai thác ngoài khơi thuộc loại ngư cụ cấm sử dụng do khai thác làm kiệt quệ các loài hải sản biển.. lực lượng dân quân biển thuộc Tổ đánh bắt xa bờ ngoài kêu gọi thuyết phục còn báo cho Đồn Biên phòng 420 và tàu kiểm ngư tỉnh kịp thời ngăn chặn.
Theo anh Nguyễn Hữu Ái, Chủ tịch Hội Nông dân xã, dù mới hình thành trong năm 2012 nhưng Tổ đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế biển mà còn xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong ngư dân và đặc biệt là góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, giữ gìn an ninh vùng biển. Tổ đánh bắt hải sản xa bờ xã Cà Ná đã được UBND huyện Thuận Nam chọn xây dựng điển hình tiên tiến của huyện giai đoạn 2011-2015. Mô hình Tổ đánh bắt hải sản xa bờ xã Cà Ná bằng sự liên kết của ngư dân theo hình thức phát triển kinh tế tập thể cho thấy tính hiệu quả về sử dụng vốn, tài sản, nguồn nhân lực trong dân cần được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ hoàn thiện và nhân rộng, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới các xã vùng biển trong tỉnh.
Bảo Ngọc