Bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Những ngày này, đến các xã tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi ghi nhận sự chuyển biến rõ nét về diện mạo nông thôn, nhất là về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG)- UBND tỉnh, trong gần 10 năm (từ 2010-2019), theo từng giai đoạn, từng năm, tỉnh ta đã đạt được các mục tiêu cơ bản của Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó đáng chú ý là phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội.

Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực thực hiện một số nội dung tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân. Cụ thể như xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn... Tổng mức đầu tư khu vực nông thôn cho giai đoạn trên là 2.944 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 222,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 336,4 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình 1.051,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 191,1 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.022 tỷ đồng, huy động trong dân 120,4 tỷ đồng, đã bước đầu hình thành các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ngày nay. Qua khảo sát cho thấy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân gần 6%/năm, nổi bật là 100% khu dân cư tập trung đều được cấp nước sinh hoạt.

Nông dân huyện Ninh Phước đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: S.N

Tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đầu năm đến nay, trên cơ sở nguồn vốn của chương trình phân bổ, các địa phương đã bố trí vốn cho các công trình hạ tầng thiết yếu, gồm: 112 công trình giao thông nông thôn; 14 công trình thủy lợi; 4 công trình Đài Phát thanh xã; 7 công trình điện; nâng cấp, sửa chữa 16 trung tâm văn hóa - thể thao thôn, xã; 8 trường học; 2 trạm y tế và 32 công trình hỗ trợ trực tiếp (nhà kho, sân phơi, trụ sở làm việc…) cho các hợp tác xã. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo và các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã. Đơn cử các xã Phước Hữu, Phước Hậu (Ninh Phước) lồng ghép dự án nhỏ do Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ thực hiện xây dựng Nhà văn hóa Chăm, trường học với tổng vốn 9,846 tỷ đồng. Đồng thời để góp phần thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2020 đang được triển khai. Dự kiến đến cuối năm, phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, trong đó nâng cao giá trị 3 đến 5 sản phẩm OCOP (dự kiến: Nho, táo, tỏi, măng tây xanh, thổ cẩm Mỹ Nghiệp) đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao theo tiêu chuẩn đánh giá Chương trình OCOP.

Tạo bước đột phá

Trong giai đoạn 2020-2025, theo hướng huy động nguồn lực đầu tư tạo bước đột phá trong xây dựng NTM, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 phấn đấu có 75% số xã (35 đơn vị) và 50% số huyện (3 đơn vị) đạt chuẩn NTM, gắn với nâng chất lượng các tiêu chí; tiếp tục thực hiện xây dựng 7 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025; có 85% số thôn vùng khó khăn được công nhận chuẩn NTM theo Bộ Tiêu chí thôn NTM. Các công trình hạ tầng thiết yếu (như: giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế) được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ, liên thông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, đưa thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Một góc hạ tầng xã nông thôn mới Phước Sơn (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Văn phòng điều phối NTM tỉnh đang tập trung rà soát, đánh giá sâu các nhiệm vụ chuyên đề để tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030”; tham mưu điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tính đến tháng 6, căn cứ vào các nội dung, chỉ tiêu mới của Bộ Tiêu chí giai đoạn 2017-2020, theo kết quả thực hiện của các địa phương, toàn tỉnh có 23 xã đạt 19/19 tiêu chí mới của NTM. Đặc biệt, huyện Ninh Phước sau khi được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định đạt chuẩn NTM năm 2019, ngày 16-10-2020 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận; bên cạnh đó huyện Ninh Hải đang hoàn thiện hồ sơ về kết quả xây dựng huyện NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỉnh ta có 1 huyện và 28 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch năm của chương trình, trong những tháng còn lại, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các huyện, xã, thôn phấn đấu đạt chuẩn NTM, chuẩn NTM nâng cao, chuẩn NTM kiểu mẫu. Các sở, ngành, hội, đoàn thể chủ động phối hợp các huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện tiêu chí của các xã, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt, đảm bảo đạt được chuẩn tối thiểu quy định của từng tiêu chí; đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo, số 13 về tổ chức sản xuất và số 17 về môi trường.