Đến với huyện Ninh Phước vào những ngày cuối tháng 2, chúng tôi ghi nhận diện mạo kinh tế- xã hội của huyện ngày càng khởi sắc, tạo nên sự phát triển đáng mừng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới, góp phần quan trọng vào việc nâng cao toàn diện đời sống nhân dân. Ninh Phước hiện có 35.412 hộ, với 128.122 nhân khẩu gồm 20 dân tộc sinh sống tập trung tại 66 khu dân cư thuộc 9 xã, thị trấn. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc, tăng trưởng hàng năm bình quân trên 12,4%. Toàn huyện có trên 23.500 ha đất canh tác chủ động nguồn nước quanh năm, diện tích gieo trồng lúa 15.000ha/năm, chiếm 32% diện tích lúa toàn tỉnh. Ninh Phước là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống, lúa giống, bắp giống đạt chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước.
Hệ thống giao thông, thủy lợi phát triển phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân,
góp phần xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc
Nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất bắp lai giống ở xã Phước Vinh, măng tây xanh ở xã An Hải, bưởi da xanh ở xã Phước Thái, cánh đồng lớn trên cây lúa ở xã Phước Hậu, trồng táo VietGAP ở xã Phước Sơn, “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Đơn cử mô hình «1 phải, 5 giảm» trên cây lúa từ trình diễn 10 ha vào năm 2011 tại xã Phước Hậu đến nay đã nhân rộng trên 2.000 ha/vụ tại 9 xã, thị trấn. Mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực hiện thí điểm từ năm 2017 trên cánh đồng lúa diện tích 56 ha tại xã Phước Hậu đến vụ hè thu năm 2019 mở rộng ra 12 cánh đồng lớn với quy mô 1.637 ha, gồm có lúa 1.533 ha, bắp 80 ha, măng tây xanh 24 ha. Mô hình tưới nước tiết kiệm sản xuất rau an toàn từ 2 ha đến nay đã nhân rộng 462,6 ha ở các xã An Hải 235 ha, Phước Hải 220 ha, Phước Thuận 5,6 ha, Phước Thái 2 ha. Mô hình san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser 35 ha. Địa phương kêu gọi Doanh nghiệp Tiên Tiến đầu tư 20 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã An Hải. Sản xuất nông nghiệp phát triển với nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần quan trọng nâng cao đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng Ninh Phước đạt chuẩn huyện NTM. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm, tăng 4,9 lần so năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 3,69%.
Nông dân huyện Ninh Phước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2019, Ninh Phước huy động các nguồn lực trên 2.304 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình phát huy hiệu quả sử dụng, tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình NTM khoảng 185,7 tỷ đồng, chiếm 8% ; vốn lồng ghép từ các dự án là 202,5 tỉ đồng, chiếm 8,8% ; vốn vay tín dụng 1.381,5 tỷ đồng, chiếm 60% ; doanh nghiệp, HTX và các tổ chức kinh tế khác đóng góp 307,2 tỷ đồng, chiếm 13,3%; nhân dân đóng góp 118,1 tỷ đồng, chiếm 5,1%, gồm hiến 137.948 m2 đất xây dựng các công trình công ích, đóng góp hàng chục ngàn ngày công và kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như bê tông đường nội thôn, lắp đặt đèn chiếu sáng, lắp đặt camera theo dõi tình hình an ninh trật tự khu dân cư.
Từ năm 2015- 2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 8/8 xã thuộc huyện Ninh Phước đạt chuẩn NTM gồm các xã: Phước Thái, Phước Hậu, Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hữu, Phước Hải, An Hải. Các xã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao các tiêu chí NTM. Tính đến nay, qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn huyện Ninh Phước đã đạt 9/9 tiêu chí NTM theo Quyết định số 558/QĐ- TTg, ngày 05-04-2016, của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện NTM, gồm các tiêu chí: Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi, Điện, Y tế-Văn hóa-Giáo dục, Sản xuất, Môi trường, An ninh- trật tự xã hội, Chỉ đạo xây dựng NTM.
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn các tiêu chí NTM nâng cao, có từ 1-2 xã đạt NTM kiểu mẫu; xây dựng huyện NTM hiện đại theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 12,54%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng gấp 2 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 79 triệu đồng/năm; lao động qua đào tạo đạt 55%; hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân hằng năm 1,2%/năm; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92,5%; trường học đạt chuẩn chiếm 60%. Tiếp tục huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đồng thuận chung tay nâng cao các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, tích cực góp phần nâng cao toàn diện chất lượng đời sống người dân địa phương.
Sơn Ngọc