Tiêu chí 17 có đến 8 nội dung: Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; nghĩa trang có quy hoạch và việc mai táng người chết phải theo quy định; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường và tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm, nhằm từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen của cộng đồng về sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí này.
Diện mạo nông thôn mới thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) ngày càng khởi sắc.Ảnh: Hồng Lâm
Qua đánh giá của ngành chức năng, về nội dung số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt và có nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã đấu nội liên thông được 40 hệ thống cấp nước tập trung, với quy mô từ 200 đến 2.500m3/ngày đêm, đảm bảo chất lượng nước đạt yêu cầu và xây dựng 2 hệ thống tạo nguồn, với tổng công suất 15.800m3/ngày đêm, cấp cho 8 hệ thống cấp nước dọc kênh Bắc và 7 hệ thống cấp nước dọc kênh Nam, từ đó đã giải quyết 93% số người dân vùng nông thôn trong tỉnh được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Song song đó, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ, vận động xây dựng và hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản đúng quy cách cho 100% hộ dân các xã xây dựng NTM. Trong đó, các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn đạt trên 75%; huyện Thuận Nam đạt 62%; Thuận Bắc đạt trên 50%; huyện Bác Ái còn mức 33.
Về nội dung thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi ở vùng nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.329 cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ bảo vệ môi trường và các cơ sở đều có công trình xử lý chất thải theo quy định. Đối với hoạt động chăn nuôi, toàn tỉnh có 97.715 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, với tổng đàn trên 2 triệu con, trong đó có 46 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và hầu hết đều có hồ sơ môi trường và hệ thống thu gom xử lý chất thải. Qua kiểm tra của ngành chức năng, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh và trang trại chăn nuôi đều có hồ sơ môi trường và thực hiện đầy đủ theo quy định về bảo vệ môi trường. Tình trạng ô nhiễm từ nguồn chất thải được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh cơ sở, gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động chăn nuôi của hộ dân hầu hết có làm chuồng nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng cảnh quan đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện: Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thưc vật, chăn nuôi hợp vệ sinh; trồng cây xanh, hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom rác và tổ chức ra quân thu dọn vệ sinh, rác thải tại các chợ, đường giao thông, khu vực bãi biển, góp phần tạo mỹ quan, diện mạo mới cho môi trường nông thôn, hạn chế việc xả chất thải sinh hoạt bừa bãi, đường làng, ngõ xóm thêm khang trang, khu vực nông thôn xanh-sạch-đẹp hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 32/47 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; 38/47 xã có tổ chức thu gom rác thải, đạt tỷ lệ 80%, trong đó có 11 xã ven biển.
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Nỷ
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là một trong những tiêu chí khó, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và nguồn kinh phí để thực hiện, do đó trong thời gian tới các địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường; tăng cường hỗ trợ xã thực hiện thu gom, xử lý rác thải; tiếp tục nhân rộng các mô hình, phong trào tiêu biểu, thiết thực về giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; hỗ trợ kinh phí, công nghệ, kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi, quy mô chăn nuôi. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá về môi trường đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhằm duy trì, nâng cao các kết quả đã đạt được đối với môi trường nông thôn của các xã và phấn đấu nâng cao chất lượng các nội dung tiêu chí để đạt chuẩn theo quy định của tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt để thực hiện công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng; phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận, các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân để động viên, huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực để cùng góp sức, chung tay thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM.
Nhật Nguyên