Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người dân, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Có thể nói, để được công nhận xã đạt chuẩn NTM đã khó, việc duy trì và nâng cao các tiêu chí lại càng khó hơn. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ xã đặt ra là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Bùi Văn Trong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đến nay, xã đang nỗ lực phấn đấu duy trì kết quả đạt được và tiếp tục đầu tư tăng mức tối đa các tiêu chí từ nay đến năm 2020. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có 18/19 tiêu chí về cơ bản đã ổn định và giữ vững, riêng tiêu chí về thu nhập người dân xã đã rớt chuẩn, khi mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay 32 triệu đồng/người/năm, (năm 2019 là 38 triệu đồng). Để phấn đấu đạt tiêu chí về thu nhập, xã xác định thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, qua đó, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình dự án để nâng cao thu nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.
Mô hình hỗ trợ bò sinh sản giúp nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Ảnh: K.Thùy
Nhìn nhận từ thực tế cho thấy, đối với tiêu chí “mềm” như thu nhập là tiêu chí rất dễ biến động và rơi vào tình trạng không bền vững. Với tiêu chí này ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương vẫn phụ thuộc rất nhiều vào vai trò chủ thể của người dân. Chính vì vậy, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực, phù hợp. Đặc biệt là đề cao vai trò của trưởng thôn, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng NTM. Vì vậy, khi hiểu được vấn đề xây dựng NTM nhằm tạo sự khởi sắc cho địa phương, người dân ngày càng nhất trí với cách làm của địa phương, sản xuất nông nghiệp có kế hoạch hơn và ngày càng tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Điển hình như thực hiện kế hoạch không tổ chức sản xuất lúa vụ mùa, cho “đất nghỉ” để sản xuất vụ đông - xuân sớm hiện nay, bởi lẽ do bà con không chú trọng vệ sinh đồng ruộng theo khuyến cáo của ngành chức năng, trên cánh đồng xuất hiện sâu bệnh, cho năng suất thấp. Vì vậy để cải tạo, vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ mầm bệnh trên các cánh đồng ở địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động người dân ngưng sản xuất đồng loạt một vụ để cải tạo đất được sự đồng thuận, nhất trí cao.
Khi đã xác định nông nghiệp là nguồn thu nhập chủ yếu, với tổng diện tích gieo trồng trên 1.500 ha, trong đó chủ yếu là lúa, bắp, nho, táo và rau, đậu các loại. Nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới trong sản xuất, xã đã xây dựng hệ thống kênh mương khá hoàn chỉnh, được kiên cố hóa bằng bê tông, đạt 73%. Trong năm 2018, đã vận động nhân dân hiến hơn 3.500m2 diện tích đất và các loại cây trồng để khơi thông mương T6 và kênh tiêu Suối Sa, dẫn nguồn nước từ đập Nha Trinh qua hệ thống kênh Bắc phục vụ nước tưới trên toàn xã. Để tạo sức hút cho nông dân trong việc mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa, xã đã tích cực vận động nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm các thiết bị nông nghiệp… nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất. Từ đó, không chỉ cây lúa, nhiều loại cây trồng khác như nho, táo cũng dần dần được nông dân canh tác theo hướng công nghiệp. Cùng với đó là tuyên truyền người dân nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao như: Mô hình “ 1 phải, 5 giảm” trên cây lúa giúp tăng thu nhập từ 4 triệu đồng/ha so với tập quán cũ, và thành lập chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm trên 500ha lúa, để người dân yên tâm về đầu ra trong sản xuất. Hay như mô hình trồng nho đã được nhiều nông hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng giá trị sản phẩm và tạo chỗ đứng trên thị trường; mô hình táo phủ lưới, qua mô hình ban đầu 3 ha, đến nay tiếp tục nhân rộng trên 10ha mang lại nguồn thu nhập khá cao. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Trí thôn Láng Ngựa, áp dụng mô hình phủ lưới, đến khi thu hoạch quả táo không bị hư hại nhiều, cho năng suất cao, được thương lái thu mua với giá cao hơn do sản phẩm sạch. Vào mỗi mùa vụ ông Trí thu về hơn 120 triệu đồng/3 sào táo, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng táo thường không bao phủ lưới. Đến nay, ông đã mở rộng diện tích áp dụng mô hình táo phủ lưới lên 1ha.
Ngoài ra, chăn nuôi gia súc cũng là một thế mạnh của địa phương. Hiện nay, xã duy trì và phát triển đàn bò gần 2.000 con; đàn dê, cừu trên 11.500 con... để chủ động nguồn thức ăn, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cỏ, chủ động tạo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Được cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng dịch bệnh, số lượng đàn phát triển tốt và không có các loại dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Ninh Sơn thông qua các hội, đoàn thể với tổng dư nợ hiện nay lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Trong, cho biết thêm: Để tạo nguồn vốn sản xuất và tăng thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Láng Ngựa, Núi Ngỗng, nhiều năm qua xã đang truy trì và nhân rộng mô hình hỗ trợ bò sinh sản với hiện nay trên 300 con. Từ mô hình này, mỗi hộ khó khăn được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, đến nay mỗi hộ dân đã sở hữu từ 3 con bò để làm vốn và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được xã quan tâm là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (tập trung vào các ngành thú y, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,...); đồng thời, hằng năm phối hợp giới thiệu việc làm cho lao động ở các công ty trong và ngoài tỉnh, đến nay đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5.000 lao động.
Tin rằng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, xã Nhơn Sơn sẽ được cộng nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020.
Kim Thùy