Nhìn lại 10 năm xây dựng nông thôn mới ở huyện Ninh Sơn

Ninh Sơn là huyện miền núi, có tổng diện tích tự nhiên 77.181ha, dân số 76.657 người, trong đó dân số khu vực nông thôn chiếm 84%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 22.046 ha, chiếm 28,5% diện tích đất tự nhiên. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Ninh Sơn đã triển khai tại 7 xã, với 53 thôn.

Mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân địa phương, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống của người dân ngày một nâng lên.

Xác định, xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, huyện đã huy động các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; xây dựng các kế hoạch theo từng giai đoạn và từng năm triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị, địa phương trong việc tham gia thực hiện và vận động toàn dân tích cực xây dựng NTM. Nhìn lại 10 năm thực hiện NTM, huyện Ninh Sơn đã huy động tổng nguồn lực đầu tư trên 500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình và vốn từ nguồn ngân sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã đóng góp trên 27 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng vốn.

Người dân thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) tham gia dự án trồng ớt, nâng cao thu nhập từ Chương trình xây dựng làng mới (Semaeul). Ảnh: A.T

Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Ninh Sơn đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng ghi nhận như các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm, các mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, cây bắp lai, cây nho, táo an toàn, sản xuất lúa giống nguyên chủng... Việc áp dụng các mô hình sản xuất đã giúp người dân tăng thu nhập, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Với nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng phục vụ cho phát triển kinh tế, đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã xây dựng NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 27,2 triệu đồng/người/năm, tăng 4,8 lần so với 2011 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,8% năm 2011 xuống còn 14,32%.

Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, điểm sáng như: phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép, huyện Ninh Sơn đã tranh thủ sự đầu tư từ các dự án nước ngoài như: Chương trình Tam nông thực hiện tại 5 xã và Chương trình xây dựng làng mới (semaeul), Dự án phát triển cộng đồng và liên kết sản xuất Koica-CJ Hàn Quốc tại 3 thôn trong huyện, đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời nâng cao ý thức của người dân với việc đề cao tinh thần tự lực và hợp tác trong xây dựng NTM đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn một cách tích cực. Mặc dù xuất phát điểm thấp, năm 2011 bình quân chỉ 2,86 tiêu chí/xã, nhưng đến nay đã có 2 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM (Nhơn Sơn, Lương Sơn), số tiêu chí bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện NTM ở huyện Ninh Sơn vẫn còn gặp một số khó khăn. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, hạn chế, Ninh Sơn cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm để có giải pháp hợp lý, khoa học nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM 5/7 xã và nâng số tiêu chí bình quân từ 13,7 tiêu chí/xã hiện nay lên 18 tiêu chí/xã vào năm 2020.

Ông Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Để đạt các mục tiêu xây dựng NTM, trong thời gian tới, UBND huyện tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ 2 xã đạt chuẩn NTM năm 2019 và cho các xã đạt chuẩn năm 2020 theo kế hoạch. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận rộng những cách làm hay, mô hình mới trong triển khai thực hiện chương trình. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, hỗ trợ kinh tế tập thể và làm tốt công tác giảm nghèo. Dựa trên các điều kiện và đặc điểm của địa phương, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung, cách làm phù hợp. Cùng với đó, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM thành công và bền vững.