Ý thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho HS, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT)đã đưa nội dụng này vào chương trình chính khóa ở cả ba cấp học. Ngoài lồng ghép vào một số bộ môn khác, các nội dung liên quan đến pháp luật được thể hiện rõ nhất ở 2 môn Đạo đức và Giáo dục công dân. Riêng các trường tiểu học có triển khai mô hình Trường học mới, HS còn được tiếp cận với các vấn đề pháp luật thông qua môn Giáo dục lối sống. Đối với HS bậc THPT, các kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống được đưa vào chương trình bộ môn Giáo dục công dân lớp 12. Trong đó, nội dung cơ bản giúp các em hiểu và nhận thức rõ về: Pháp luật và đời sống; pháp luật với sự phát triển của công dân và sự phát triển bền vững của đất nước cũng như sự hòa bình và sự phát triển tiến bộ; công dân với các quyền tự do cơ bản... Cô giáo Đỗ Thanh Bình, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: Thực tế hiện nay là trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có rất nhiều sự điều chỉnh qua từng năm thì việc cập nhật nội dung chương trình sách giáo khoa khó có thể thực hiện được thường xuyên. Do vậy, trước những thay đổi đó, Bộ GD và ĐT có những văn bản cập nhật, bổ sung, điều chỉnh nhằm đảm bảo thông tin chính xác nhất các nội dung pháp luật đến với HS. Đặc biệt từ năm học 2016- 2017, bộ môn Giáo dục công dân được đưa vào tổ hợp môn xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường. Bởi trước đây, với tâm lý là môn phụ nên đa phần HS không mấy quan tâm, mặn mà với môn Giáo dục công dân. Để đảm bảo hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật của môn học cô cùng các giáo viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, tạo hứng thú cho HS.
Học sinh Trường THPT Tôn Đức Thắng tuyên truyền tệ nạn bạo lực
học đường thông qua tiểu phẩm.
Ngoài chương trình chính khóa, để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức pháp luật cho HS nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Việc Trường TH Đạo Long (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) phối hợp với Công ty TNHH Kim Song Mã tổ chức buổi tuyên truyền các kiến thức về An toàn giao thông bằng hình thức vấn đáp nhanh và nhận diện hệ thống biển báo vào dịp cuối tháng 3 vừa qua là một trong số đó. Càng ở những bậc học cao hơn, sự đa dạng về nội dung và hình thức tuyên truyền càng nhiều hơn. Đơn cử như tại Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải), để nâng cao nhận thức pháp luật cho các em, từ đầu năm học đến nay, Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động như: Thành lập Đội ATGT tham gia đảm bảo giữ gìn trật tự ATGT, ANTT tại cổng trường; tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học đường với ATGT” và diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”; lồng ghép các nội dung pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới, luật giáo dục… trong tuần sinh hoạt công dân và các buổi sinh hoạt dưới cờ; cho HS ký cam kết không vi phạm ATGT, ANTT cũng như không mắc các tệ nạn xã hội… Ngoài ra, Đoàn trường còn tổ chức phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” gắn với phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cho 100% chi đoàn HS ký cam kết không vi phạm quy chế thi cử trong các đợt kiểm tra cao điểm, mùa thi…
Bằng nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho HS tại các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bằng chứng rõ ràng nhất là tỷ lệ HS vi phạm pháp luật ngày càng giảm và số HS am hiểu các kiến thức cơ bản về pháp luật ngày càng nhiều. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ theo tinh thần “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Ngọc Diệp