Hội thảo tham vấn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách giáo dục trẻ khuyết tật

(NTO) Ngày 11- 4, tại Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Ninh Thuận phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hơp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức khai mạc Hội thảo tham vấn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách giáo dục trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Đến dự Hội thảo có đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học thuộc Bộ GD và ĐT; bà Lê Anh Lan, đại diện UNICEF tại Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo GD và ĐT các tỉnh: Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Vĩnh Long, Hải Phòng, Điện Biên và TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tình hình giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 335 cơ sở giáo dục, trong đó có 91 trường mầm non, 153 trường tiểu học, 64 trường THCS, 20 trường THPT, 6 trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề, 1 Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, 4 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Học sinh huy động ra lớp trong năm học 2017-2018 là 136.562 em; trong đó có 139 học sinh khuyết tật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Ninh Thuận, được thành lập vào năm 2015, với nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật và giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật dạng nặng. Từ những ngày đầu được thành lập chỉ có 44 cháu, đến nay có gần 70 cháu được giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm. Việc thành lập Trung tâm đã đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh có con em không được may mắn do những khuyết tật khác nhau được can thiệp sớm, giảm thiểu tình trạng bệnh tật và sớm giúp các cháu hòa nhập tại các trường mẫu giáo, phổ thông bình thường. Hoạt động của Trung tâm vẫn còn một số rào cản về mặt pháp lý, chưa đảm bảo cơ sở vật chất, nhân sự để Trung tâm hoạt động theo quy định. Đồng chí mong muốn Hội thảo tập trung giúp giải quyết các rào cản và tháo gỡ những khó khăn đang cản trở trẻ em tiếp cận những hỗ trợ và dịch vụ cần thiết. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị về thực hiện chính sách ngày càng phù hợp hơn đối với trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật.

Trong thời gian hai ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách giáo dục trẻ khuyết tật và các chính sách của giáo viên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; mô hình từ trường giáo dục chuyên biệt sang Trung tâm tại TP. Đà Nẵng; những điểm mới về mô hình can thiệp sớm theo nhóm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Vĩnh Long…