Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan Ankie Broekers-Knol cho biết Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, nhất là vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Hà Lan Ankie Broekers-Knol.

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Hà Lan, sáng 27/3, tại trụ sở Thượng viện Hà Lan (thành phố La Hay), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Hà Lan Ankie Broekers-Knol.

Chủ tịch Thượng viện Hà Lan Ankie Broekers-Knol cho biết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người đại diện cấp cao nhất của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hà Lan tiếp nối sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2017. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan đã đánh giá cao Việt Nam tổ chức hành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132 cũng như các sự kiện liên quan.

Khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác nghị viện, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan cho rằng chuyến thăm chính thức Hà Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là cơ hội để hai bên trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mong muốn Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.

Thông báo về kết quả hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Hà Lan trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề và nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Hà Lan bày tỏ vui mừng về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong 45 năm qua phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam đã thành lập Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Hà Lan nhiệm kỳ 2013-2018; hoạt động của Hội trong thời gian qua đã góp phần tích cực tăng cường giao lưu nhân dân và quan hệ hai nước. Đồng thời mong Hà Lan sớm thành lập Hội Hữu nghị Hà Lan-Việt Nam, góp phần đẩy mạnh hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo nhận định quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Hà Lan phát triển rất tốt trong những năm qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (ký năm 2010) và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (ký năm 2014) giữa Việt Nam và Hà Lan, là những mô hình hợp tác rất hiệu quả, góp phần phát triển bền vững tại Việt Nam; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Hà Lan dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đặc biệt trong việc phối hợp xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (MDP). Hiện Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề môi trường và phát triển nông nghiệp công nghệ cao vốn là các thế mạnh của Hà Lan (như Chương trình Xanh của Chính phủ Hà Lan); mong Hà Lan tiếp tục thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: Du lịch, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo, văn hóa…; đề nghị hai bên thúc đẩy ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch song phương, làm cơ sở pháp lý cho việc hình thành và triển khai các chương trình hợp tác cụ thể.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác giữa các địa phương của hai nước đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước trên một số mặt cụ thể.

Về hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan cho biết Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, nhất là vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi về vấn đề giải quyết an ninh lương thực thế giới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ về tình hình sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay, trong đó hạt tiêu có năm đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu…

Về quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước, hai nhà lãnh đạo đánh giá, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan những năm qua không ngừng phát triển tốt đẹp. Trên nền tảng đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hà Lan. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong Hà Lan có tiếng nói ủng hộ vấn đề Biển Đông, các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ cảm ơn Hà Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hà Lan; đề nghị Chủ tịch Thượng viện và Thượng viện Hà Lan tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Hà Lan, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng mời Chủ tịch Thượng viện Hà Lan thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch Thượng viện Hà Lan trân trọng cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.

* Cũng trong chiều 27/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm Viện Deltares tại thành phố Delft, Hà Lan.

Tại Viện Deltares, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã được giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt, cảnh báo sớm hạn hán được áp dụng cho khu vực châu thổ các nơi trên thế giới, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các chuyên gia Viện Deltares đã chia sẻ về kết quả một số dự án do Viện triển khai ở Việt Nam, trong đó Viện Deltares đang phối hợp thực hiện nhiều chương trình như: Quản lý vùng biển, châu thổ, nước ngầm, cảnh báo quản lý rủi ro về lũ lụt, đào tạo nghiên cứu xây dựng năng lực. Đặc biệt, Viện đã phối hợp với tỉnh Bến Tre, Trà Vinh nghiên cứu và đưa ra cảnh bảo sớm để ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 2 tỉnh 20 cột giám sát các lưu vực…

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Giám đốc Viện Deltares, Ban lãnh đạo cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Theo Chủ tịch Quốc hội, điều này rất quan trọng, hữu ích đối với Việt Nam - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu.

Nguồn: chinhphu.vn