Nông dân Phước Thuận thu hoạch súp lơ đầu năm

Các vườn rau súp- lơ ở Phước Thuận (Ninh Phước), những ngày đầu năm mới, đã thấy thấp thoáng bóng dáng nông dân. Hỏi thăm, bà con bảo, ra Giêng tiết trời hãy còn lạnh phải ra đồng sớm để chăm sóc bông súp- lơ đang giai đoạn nở rộ.

Các vườn rau súp- lơ ở Phước Thuận (Ninh Phước), những ngày đầu năm mới, đã thấy thấp thoáng bóng dáng nông dân. Hỏi thăm, bà con bảo, ra Giêng tiết trời hãy còn lạnh phải ra đồng sớm để chăm sóc bông súp- lơ đang giai đoạn nở rộ. Trên những luống súp- lơ hơn 20 ngày tuổi, nông dân khẩn trương lên liếp, bắt sâu hại cây…

Cơn lũ lịch sử đầu tháng 11/2010, đã cuốn trôi hầu hết diện tích súp- lơ mà nông dân xã Phước Thuận canh tác để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Sau lũ, bà con lại nỗ lực trồng mới để hôm nay đón một vụ mùa bội thu từ những hecta súp lơ tươi tốt. Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích súp lơ toàn xã là 13,8ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Phước Khánh, Thuận Lợi, Phước Lợi, Hiệp Hòa `và Thuận Hòa. Do điều kiện mưa lũ, bà con xuống giống trễ nên lượng súp - lơ thu hoạch trong Tết chỉ khoảng 70%, số diện tích còn lại để ra giêng bán. Mừng vì vụ mùa bội thu, bà con nông dân xã Phước Thuận đón xuân vui hơn, sung túc hơn.


 
Chăm sóc súp-lơ.

Súp- lơ là loại cây ngắn ngày, thích hợp điều kiện thổ nhưỡng của Phước Thuận, không kén công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân Phước Thuận có thể trồng súp lơ 2 vụ/năm. Đáng chú ý, một số nông hộ đã trồng súp lơ bên dưới vườn nho, vườn táo, vừa tận dụng diện tích canh tác lại tăng thu nhập. Tại vườn súp-lơ của ông L.T.Long ở thôn Thuận Lợi, người bẻ bông, người đếm, người vận chuyển súp-lơ lên xe tất bật tay chân mà rạng ngời niềm vui vì “có nguồn thu đầu năm”. Trên 3 sào đất, ông trồng súp lơ với giá bán trung bình 5.000/bông, gia đình ông lãi trên dưới 15 triệu đồng. Ông Long nói thêm: “Nếu trồng đúng thời điểm như mọi năm, với giá 8.000/bông trong Tết, bà con trồng súp-lơ 1 vốn 6 lới chứ không ít”. Ông N.Hải (Thuận Hòa – Phước Thuận) cặm cụi bên hai sào súp-lơ đang đơm bông non cho biết: “Vụ vừa rồi, tôi trồng có 1 sào 3, không ngờ năm nay thời tiết thuận, ít sâu bệnh, năng suất cao. May trong Tết bán được giá, bù vào đợt lũ vừa rồi”. Chị N.T.Ngần thì vui vẻ: “Mùa hành vừa rồi ở nhà mất trắng, may được các anh trong xã hướng dẫn trong súp-lơ nên giờ cũng khá, cũng sắm quần áo mới cho các cháu đi chơi ba ngày Tết. Trồng súp lơ vốn ít, giá có rẻ mấy cũng lãi. Mình khó khăn, chọn cây nào ít vốn mà trồng thôi”.

Từ chỗ canh tác manh mún, đến nay, súp-lơ đã trở thành cây trồng chủ lực được bà con nông dân xã Phước Thuận trong vụ đông-xuân, bên cạnh hành, dưa leo, củ cải trắng… Đây được xem là sự chuyển đổi giống cây trồng ngắn ngày phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương nhiều năm trở lại đây. Ông Phan Thành Đức, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Phước Thuận cho biết về hướng phát triển cây súp-lơ của địa phương: “Đây là một loại cây trồng mới, nên Ủy ban xã cũng khuyến khích bà con sản xuất đại trà trong toàn xã, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Cùng với Phước Thuận, nhiều địa phương khác trong tỉnh đang chú ý đến cây súp-lơ. Bông lơ Ninh Thuận không chỉ phục vụ người tiêu dùng nội tỉnh mà còn được tiêu thụ ngay trên vùng chuyên canh “hàng la-ghim” là thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Một khi thị trường tiêu thụ được chủ động, nông dân có động lực để đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế...