(NTO) Một số phụ huynh trên đại bàn tỉnh thắc mắc: Vì sao ngành GD&ĐT phải thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sự nghiệp giáo dục của tỉnh ta trong những năm qua đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt. Mạng lưới trường, lớp học phủ kín các địa bàn trong tỉnh và được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn quốc gia. Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được nâng lên, thu hút tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, số học sinh lưu ban, bỏ học giảm mạnh ở tất cả các cấp học. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, củng cố, số trường học đạt chuẩn Quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT còn những hạn chế về quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường, lớp học. Một số địa bàn có nhiều điểm trường lẻ, có nơi khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính chỉ khoảng 0,5 km, mỗi điểm trường lẻ có 2-3 lớp; lớp ghép vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Điều này dẫn đến tăng nhu cầu về biên chế, tăng chi ngân sách; việc quản lý, sử dụng biên chế được giao tại một số địa phương, đơn vị chưa hợp lý; việc thừa, thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra ở các cấp học. Việc sử dụng tài sản công ở một số điểm trường lẻ chưa phù hợp với mục đích đầu tư, cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường lẻ đã xuống cấp nhưng thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Sách, thư viện, thiết bị dạy học, phòng thực hành chỉ được bố trí ở điểm trường chính nên học sinh các điểm trường lẻ thiếu thiết bị để thực hành, ít được đọc sách ở thư viện, ít có đồ chơi; ít được tham gia hoạt động tập thể, ít được hướng dẫn rèn luyện kỹ năng sống vì các hoạt động này chủ yếu triển khai ở trường chính. Học sinh ở điểm trường lẻ rất thiệt thòi trong tiếp cận đầy đủ các hoạt động giáo dục, ít có học sinh khá giỏi, chất lượng và hiệu quả đào tạo có phần thấp hơn các điểm trường chính; đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn và miền núi vùng sâu, vùng xa.
Trường TH Phước Khánh (Phước Thuận, Ninh Phước). Ảnh: Sơn Ngọc.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định: “Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, chú trọng sắp xếp hệ thống mạng lưới các trường học”. Ngày 30-8-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 41 CT-TU về sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020. Triển khai thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 10-10- 2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1940 phê duyệt Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020. Đồng thời tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Đây là chủ trương đúng đắn, tạo động lực phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển, được cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân đồng thuận cao.
Nhiều phụ huynh ở huyện Ninh Sơn hỏi: Việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên có ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh hay không?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên giai đoạn 2017- 2020 được ngành GD&ĐT phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành thực hiện từ năm học 2017- 2018. Chúng tôi cam kết với phụ huynh là việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học bảo đảm duy trì ổn định việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh ở các cấp học. Việc sắp xếp nói trên nhằm phát triển bền vững, toàn diện, đồng bộ về quy mô, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; bảo đảm học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao nhất; bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân; xây dựng cả tỉnh thành xã hội học tập, trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo trên một số ngành, lĩnh vực có lợi thế; phấn đấu đến năm 2020, giáo dục tỉnh nhà đạt trình độ tiên tiến so với các tỉnh trong khu vực.
Sơn Ngọc