Gần nửa cuộc đời gắn bó với nghề, chị Bằng chia sẻ: Mỗi ca sinh đẻ diễn ra rất nhanh, chỉ được phép có trong khoảng thời gian từ 30 phút hoặc có khi đến 2 tiếng đồng hồ phải giúp em bé chào đời hoặc quyết định chuyển lên tuyến trên, nếu không thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con. Vì vậy, tất cả đều đòi hỏi sự quyết đoán, nhanh nhẹn và chính xác của Nữ hộ sinh. Nhiều phụ nữ đã từng được chị hỗ trợ “ vượt cạn” đều có nhận xét chung là chị Bằng "mát tay" và luôn yên tâm khi có chị bên cạnh cùng "vượt cạn". Tuy nhiên, với chị để có được kết quả “Mẹ tròn, con vuông” đòi hỏi “bà đỡ” phải có tâm với nghề, cái nghề không được phép thờ ơ trước tính mạng của bệnh nhân, vì chỉ một chút sơ sót thôi cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, cũng chính vì thế mà nhờ những kinh nghiệm trong nghề nhiều năm qua đã giúp chị trãi qua không biết bao nhiêu ca sinh khó.
Với chị, trong những đêm đang ngon giấc thì có người gọi điện, gọi cửa vì có người nhà trở dạ là hình ảnh trở nên quen thuộc. Khi ấy chị lại vội vã đến trạm xá không quản ngại đêm, ngày, không nề hà những hôm xuống ca trực. Trách nhiệm và lương tâm đối với nghề nghiệp là điều thôi thúc chị vượt qua những khó khăn, trở ngại. Cũng có những trường hợp khiến chị thót cả tim vì ca đẻ khó. Chị không thể nào quên khi phải đỡ đẻ song sinh khi sản phụ chưa đủ ngày vào một đêm mưa tầm tã cuối năm 2016. Không quản ngại nguy hiểm, chị mặc vội áo mưa chạy xe trong màn đêm mưa gió. Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên chị đỡ đẻ ngay, cả người mẹ và hai đứa bé được cứu sống. Lúc bé cất tiếng khóc chào đời chị mới có thể mỉm cười nhẹ nhõm, giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ cũng hòa trong khuôn mặt ướt sũng vì mưa. Trung bình, mỗi tháng chị đỡ đẻ từ 5-8 ca, nhưng riêng trong tháng 1 này chị đỡ đẻ tới 12 ca và không cố định thời gian làm việc. Chị tâm sự, có được người chồng cùng làm trong ngành là điều kiện thuận lợi để chị nhận được sự cảm thông, chia sẻ và có thể giành toàn tâm, toàn ý với nghề.
Chị không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, bao nhiêu em bé đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay mình. Nhưng khoảng thời gian qua là hành trình giúp chị chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt nghẹn ngào của tình mẫu tử, giúp chị thêm yêu công việc mà mình gắn bó bao năm qua. Bên cạnh việc hỗ trợ các ca sinh đẻ, chị còn tranh thủ thời gian đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động chị em phụ nữ các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch. Trong quá trình tư vấn, khám thai cho phụ nữ, nếu có nguy cơ khó đẻ cao chị tư vấn để chuyển tuyến kịp thời, hướng dẫn cho các mẹ cách vệ sinh cá nhân, cách vệ sinh con nhỏ và cách cho con bú, chế độ dinh dưỡng cho mẹ mang thai... Đa phần những phụ nữ ở địa phương mỗi lần gặp vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản đều tìm đến chị Bằng như một chỗ dựa vững chắc, đầy tin tưởng.
Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề cùng sự phấn đấu không mệt mỏi, năm 2017 chị Hứa Thị Bằng được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
Kim Thùy