So với các loại thực phẩm hay ngũ cốc thì khối lượng các vitamin hay các khoáng chất cần là rất nhỏ nên nó còn được gọi là các yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lạm dụng các vitamin cũng như các chất khoáng mà không thấy hết được hậu quả xấu của việc làm này.
Nguyên nhân của tình trạng trên do các vitamin và các chất khoáng thường được bán một cách tự do không cần đơn thuốc kết hợp với việc quảng cáo, tuyên truyền không chính xác về tác dụng nên trong thực tế đã tạo ra sự lạm dụng, gây nên những tai biến, thậm chí rất nghiêm trọng do thừa các chất khoáng. Việc hiểu biết một số nguyên tắc cơ bản trong sử dụng một số loại vitamin cũng như các khoáng chất sẽ góp phần tăng cường việc sử dụng có hiệu quả và phòng ngừa được các tai biến đáng tiếc do lạm dụng thuốc.
Các vitamin và chất khoáng luôn có sẵn trong lương thực và thực phẩm (như gạo, rau quả, thịt, cá, sữa…), vì vậy những người bình thường (không có các bệnh lý tiêu hóa…), có chế độ ăn bình thường (không phải ăn kiêng), với các loại lương thực và thực phẩm đảm bảo chất lượng thì không bao giờ thiếu và không cần phải bổ sung.
Những nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin và các chất khoáng:
- Do cung cấp thiếu: chủ yếu do chất lượng của lương thực và thực phẩm không đảm bảo như: gạo bị mốc, rau quả bị úa, héo hoặc do chế biến không đúng (ví dụ vitamin C bị nhiệt độ phá hủy; vitamin B1 bị chất kiềm phá hủy…), đặc biệt ở những người nghiện rượu (người nghiện rượu thường ăn uống thiếu chất; rượu làm tổn thương cơ quan tiêu hoá làm giảm khả năng hấp thu các vitamin nhóm B và rượu gây nên xơ gan).
- Do rối loạn hấp thu: tiêu chảy kéo dài, nghiện rượu; bệnh lý dạ dày – tá tràng. Đặc biệt ở những người cao tuổi, do sự giảm chức năng của cơ quan tiêu hoá như giảm tiết dịch mật, dịch tụy, dịch dạ dày kết hợp với tình trạng giảm nhu động ruột, táo bón dẫn đến cản trở hấp thu các chất.
- Do nhu cầu của cơ thể tăng: phụ nữ có thai, cho con bú; thiếu niên tuổi dậy thì, sau khi bị bệnh nặng. Những trường hợp này có thể bổ sung bằng chế độ ăn uống, chỉ dùng thuốc uống hoặc tiêm khi không ăn được do rối loạn tiêu hoá hoặc ăn không đủ (do mệt mỏi, chán ăn…).
Xử trí khi thiếu vitamin và các chất khoáng
Trước hết phải xử trí các nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin như đã nêu trên. Thường thì ít có hiện tượng thiếu đơn độc một chất, vì vậy việc bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp sẽ có hiệu quả hơn dùng các loại riêng biệt. Tỷ lệ phối hợp các vitamin và chất khoáng khác nhau trên từng loại sản phẩm của các hãng khác nhau. Do vậy khi lựa chọn phải căn cứ vào nguyên nhân gây thiếu để bổ sung cho phù hợp.
Ngũ cốc chứa nhiều vitamin B1.
Những nguyên nhân chủ yếu gây thừa vitamin và hậu quả
Nguyên nhân: hầu hết thừa là do sự lạm dụng vitamin và các chất khoáng dưới dạng thuốc. Cần phải nhắc lại rằng, những người khoẻ mạnh, không có rối loạn tiêu hoá, hấp thu và ăn với chế độ ăn bình thường thì không bao giờ phải dùng thêm vitamin cùng các khoáng chất dưới dạng thuốc. Nếu các đối tượng này thường xuyên uống vitamin, đặc biệt vitamin tan trong dầu (vitamin A, D) thì dễ gặp các rối loạn do thừa vitamin.
Hậu quả của thừa một số vitamin thường gặp:
- Trẻ em dưới 1 tuổi khoẻ mạnh, nếu uống thường xuyên lượng vitamin D với liều trtên 400UI/ngày sẽ dẫn đến tăng calci máu, thậm chí dẫn đến suy thận và tử vong.
- Nếu trẻ em dưới 4 tuổi thường xuyên uống vitamin A liều ≥5.000 đơn vị/ngày sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính với các biểu hiện như ban đỏ, viêm da tróc vảy, viêm niêm mạc miệng hay đau các xương. Đối với phụ nữ có thai, dùng như vậy sẽ có nguy cơ thừa vitamin A và gây quái thai. Với liều vitamin A ≥ 100.000 đơn vị/ngày có thể gây tăng áp lực sọ não, co giật ở trẻ nhỏ.
- Vitamin B (đặc biệt hỗn hợp viên vitamin 3B được dùng khá phổ biến) liều cao sẽ gây nên thừa vitamin B6 làm rối loạn thần kinh cảm giác; thừa vitamin B12 sẽ xuất hiện triệu chứng của thừa coban gây tăng sản tuyến giáp, tăng hồng cầu quá mức…
- Vitamin C khi dùng thường xuyên ở liều cao sẽ dẫn đến các dấu hiệu ngộ độc như: tiêu chảy, loét đường tiêu hoá, sỏi thận; dạng tiêm tĩnh mạch có thể gây rối loạn đông máu, giảm sức bền của hồng cầu.
- Thừa các yếu tố vi lượng sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn so với các vitamin. Thừa sắt sẽ dẫn đến ngộ độc sắt có thể dẫn tới tử vong. Thừa iốt (liều trên 6mg/ngày) gây ức chế hoạt động của tuyến giáp, ở người mẹ mang thai sẽ dẫn đến thiểu năng giáp sơ sinh, trẻ sẽ bị chứng đần độn.
Muốn tránh được các hậu quả do dùng không đúng vitamin và các chất khoáng, trước hết cần phải hiểu rõ một nguyên tắc: nếu không thấy thiếu thì không dùng; không được coi vitamin và các khoáng chất là “thuốc bổ” mà muốn khoẻ thì dùng. Chính vì vậy, khi cảm thấy có vấn đề về sức khoẻ, biện pháp tốt nhất là cần đi khám và tư vấn về sức khoẻ. Thầy thuốc sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm bổ sung cần thiết để xác định tình trạng sức khoẻ và có các chỉ dẫn cần thiết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các vitamin và khoáng chất, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày.
TS. Nguyễn Hải – skđs