Từ trại ươm giống nho “Sáu Lang”
Là người tiên phong đưa phương pháp trồng nho theo công nghệ cấy ghép cành trên thân nho dại, ông Nguyễn Thường Lang (khu phố 2, phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến như một “kỹ sư” trong lĩnh vực sản xuất cây nho giống. Từ những kiến thức lĩnh hội được sau lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cấy ghép do tổ chức phi chính phủ tổ chức ở Bình Thuận, ông mạnh dạn thành lập trại ươm giống “Sáu Lang” cung cấp giống nho dại cho nông dân địa phương. Để nâng cao chất lượng cây trồng, năm 2014, ông Sáu Lang bỏ vốn gần 1 tỷ đồng đầu tư công nghệ như thiết bị thanh lọc nước, xây dựng nhà lưới, hệ thống điện điều chỉnh nhiệt độ… để thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Với sự đầu tư bài bản, kỹ thuật hiện đại, thương hiệu nho giống Sáu Lang ngày càng tạo được uy tín lớn trên thị trường. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông xuất bán ra thị trường các tỉnh trong nước và nước ngoài khoảng 1 triệu cây nho dại và nho ghép. Trước nhu cầu đặt hàng ngày càng cao của khách hàng, ông trăn trở nếu ghép cây giống bằng tay có thể ảnh hưởng đến việc trả đơn hàng chậm, mất uy tín với khách. Trước tình hình đó, ông tự mình nghiên cứu, sáng tạo ra một thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng viết tắt là SSE có thể ghép được trên cây nho, táo, cao su, hồ tiêu... Thiết bị được cấu tạo đơn giản gồm 4 phần chính: thân-đế; cần lực, cơ cấu truyền lực và cơ cấu vận hành bằng chân hoặc tay. Với thiết bị này, mỗi người có thể ghép từ 3.000-4.000 cây/ngày, hiệu quả gấp 10 lần so với cách ghép bằng tay. Để kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, đến nay, ông cho ra đời 10 thiết bị SSE vận hành bằng tay và chân.
Nông dân Thái Văn Âu bên chiếc máy bóc vỏ lụa và mày hạt bắp đoạt giải Nhất tại
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, năm 2016 - 2017.
Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, ông đang nghiên cứu lắp hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng điện thoại cho vườn ươm giống. Với ý tưởng này, ông có thể điều khiển hệ thống nước tưới ở bất kỳ nơi nào có sóng điện thoại, góp phần tiết kiệm thời gian cũng như nhân công lao động. Hy vọng ý tưởng của “kỹ sư chân đất” Sáu Lang sớm thành hiện thực, tạo đà giúp nông dân tỉnh nhà mạnh dạn áp dụng, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
…Đến Nhà sáng chế Thái Văn Âu
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lên thăm xã vùng cao Ma Nới (Ninh Sơn), người dân thôn Ú dường như chưa vơi niềm tự hào về người “kỹ sư chân đất” Thái Văn Âu vừa đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, năm 2016-2017.
Bên ấm trà nóng, ông Thái Văn Âu say sưa kể cho chúng tôi nghe những ý tưởng “sáng chế” về các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của mình. Vốn là nông dân quanh năm gắn bó với nương rẫy, nên ông Âu hiểu được việc làm nông nghiệp tay chân vất vả như thế nào. Do đó, ông luôn trăn trở để cải tiến, sáng tạo ra nhiều loại máy móc giúp nông dân giảm gánh nặng chi phí và sức lao động. Nung nấu ý tưởng, tìm tòi nghiên cứu mãi rồi cũng đến ngày có kết quả. Sản phẩm đầu tiên của ông Âu được ra đời vào năm 1992 là chiếc máy làm cỏ chạy bằng bánh xe. Với chiếc máy này, trong ngày một mình ông có thể làm cỏ cho 5 ha bông, trong khi nếu làm bằng thủ công phải thuê 5-6 nhân công. Từ thành công bước đầu của chiếc máy làm cỏ, ông tiếp tục mày mò, tìm tòi sáng chế ra nhiều loại máy móc phục vụ quá trình sản xuất của gia đình, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nông dân Sáu Lang chăm sóc cây nho giống.
Dẫn chúng tôi đi tham quan từng sản phẩm do mình chế tạo ra, ông thích thú giới thiệu từng máy móc với những công năng đặc biệt. Đơn cử như xe kéo hai đầu kết hợp nhiều tác dụng và được thao tác trên cùng một máy với nhiều hệ thống chức năng công cụ khác nhau tùy thuộc vào mục đích công việc và điều kiện địa hình canh tác của hộ gia đình. Với chiếc máy này bà con có thể vừa kéo, cày, xới đất... mà không cần quay đầu xe mất thời gian, tốn nhiên liệu. Hay như dàn tải băng chuyền lúa, khi đổ lúa xay không cần bưng lúa đổ lên cao mà lúa sẽ chạy theo băng chuyền khép kín rồi được xay ra hạt gạo... Không ngừng sáng tạo, ông cũng đã cải tiến thành công nhiều loại máy như máy bơm nước, hệ thống tưới tiết kiệm nước, máy đánh bắp mini và các loại đậu áp dụng phù hợp với địa hình vùng núi. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, ông được nhiều người trong tỉnh biết đến qua sáng chế chiếc máy bóc vỏ lụa và mày hạt bắp. Chiếc máy có công năng vượt trội là bóc vỏ 12 kg hạt bắp chỉ mất 8 phút; trong khi cũng chừng ấy bắp, nếu một người dùng cối giã theo phương thức truyền thống hết 4 giờ đồng hồ. Nhờ cấu tạo gọn nhẹ, đơn giản, dùng mô-tơ điện truyền động các trục quay, giảm chi phí nhiên liệu, tránh tiếng ồn, nên máy có khả năng ứng dụng cao, phục vụ đắc lực trong cuộc sống bà con vùng cao nói riêng và nông dân trên toàn quốc nói chung. Với sáng chế này mang về cho ông giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, năm 2016–2017. Đây cũng là động lực để ông Thái Văn Âu tiếp tục sáng tạo ra nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất trong thời gian đến.
Mặc dù không biển hiệu, không quảng cáo nhưng với tính năng ưu việt, hiệu quả của các loại máy, nhiều nông dân trong vùng đến đặt mua các sản phẩm do ông Thái Văn Âu sáng chế. Đơn cử như chiếc máy đánh bắp mini và các loại đậu, chỉ sau 2 tháng sản xuất, ông đã bán được 4 máy với giá 6 triệu đồng/chiếc.
Bắt nguồn từ những trăn trở trong quá trình sản xuất nhiều nông dân đã nảy sinh ý tưởng và sáng chế ra nhiều máy nông cụ, góp phần tăng năng suất lao động cho nông dân. Mong rằng những giải pháp, cải tiến của những “kỹ sư chân đất” này sẽ được các cấp, ngành “tiếp sức” để những nghiên cứu của họ được nhân rộng, góp phần “gánh vác” những nhọc nhằn cho bà con nông dân.
Mỹ Dung